47 tỉnh thành Nhật Bản, bạn đã chinh phục được bao nhiêu?

Sakura-ề tồ

Là một người yêu thích “dịch chuyển”, mình nhận thấy việc theo dõi và ghi chép những nơi mình đã đi qua là vô cùng hữu ích. Điều này giúp bản thân có cái nhìn tổng quát, xác định được nơi mình đã đi qua, nơi nào mình chưa đến. Ngoài ra, cá nhân mình thấy, nó thúc đẩy khao khát xách ba lô lên và đi, giúp mình dễ dàng hơn trong việc lên kế hoạch chinh phục miền đất mới trong những chuyến đi tiếp theo. 

Trong tập 2 của Du hí trên đất Nhật, mình xin chia sẻ một cách “chả cần giấy bút” mà lại “update dễ dàng”, giúp bạn thống kê hiệu quả những địa phương mình đã qua trên đất Nhật nhé!

Web tính điểm chinh phục 47 tỉnh thành Nhật Bản

Đầu năm 2018, trong lúc mình đang loay hoay tìm cách hợp lý để thống kê những nơi mình đã qua trên đất nước Nhật Bản, thì trên instagram story của hội thích du lịch và chụp ảnh ở Nhật, bỗng nổi lên việc chia sẻ bản đồ du lịch Nhật Bản cá nhân. Khỏi phải nói, lúc đó mình đã lên google “lùng sục” mọi ngóc ngách để tìm cho ra cách mọi người đang sử dụng. Và cuối cùng, tén tèn ten, mình đã tìm được nó, và vẫn sử dụng đến tận bây giờ.

Vậy nó là gì…?

http://zhung.com.tw/japanex/

Một trang web của Đài Loan. Bạn hãy vào theo đường dẫn trên nhé!

地図 EETO

Màn hình chính – Trạng thái ban đầu

Cách sử dụng web

1. Điểm chinh phục Nhật Bản

“Japan level 0”

Sẽ tự cập nhập điểm khi mình nhập trạng thái.

2. Bảng trạng thái và cách tính điểm

  • Lived there (đã sống ở đó) → Level 5, tương ứng 5 điểm
  • Stayed there (đã trú ở đó) → Level 4, tương ứng 4 điểm
  • Visited there (đã tham quan ở đó) → Level 3, tương ứng 3 điểm
  • Alighted there (đã dừng chân ở đó) → Level 2, tương ứng 2 điểm
  • Passed there (đã đi ngang qua đó <không xuống xe>) → Level 1, tương ứng 1 điểm
  • Never been there (chưa đến đó bao giờ) → Level 0, tương ứng 0 điểm

3. Cách cập nhật trạng thái

Trỏ vào tỉnh thành và chọn trạng thái phù hợp trong 6 trạng thái.

4. Đổi ngôn ngữ

Ở thanh ngôn ngữ góc phải. 

(Gồm tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung. Hiển thị mặc định là tiếng Anh)

5. Thêm tên bản thân

Ở “Add Name” góc phải.

(Khi cập nhật tên, đường dẫn URL sẽ tự động thay đổi theo tên mình. Vì vậy, sau khi cập nhật toàn bộ trạng thái, hãy lưu lại đường dẫn này nhé. 

Về sau khi mở link này lên, trạng thái cũ được giữ nguyên mà không phải cập nhật lại từ đầu)

6. Lưu hình ảnh và chia sẻ lên Facebook

Ở “Save Image” “Share FB”. 

Hãy lưu ảnh về và chia sẻ với bạn bè nhé!

dulichnhatban

Sau khi nhập sẽ hiển thị như sau.

Hãy lưu đường link để tiện cập nhật.

Ề tồ đã chinh phục Nhật Bản được bao nhiêu?

Năm 2018 mình biết đến và bắt đầu lưu đường dẫn web này trong “Mục ưa thích” điện thoại. Đến nay là năm 2021, sau 3 năm sử dụng. Hãy cùng xem bản đồ chinh phục Nhật Bản của mình đã thay đổi như thế nào nhé!

bandoNhatBan

Bản đồ chinh phục Nhật Bản của mình

(Tháng 6 năm 2018) 

“Ôi muốn nhanh nhanh đổ màu hết những ô trắng trắng kia!!”- Mình đã viết như vậy khi đăng ảnh lên instagram story đấy 😆

japanex 2

Bản đồ chinh phục Nhật Bản của mình

(Tháng 8 năm 2021)

Số tỉnh thành mình đã qua tăng lên đáng kể so với năm 2018.

Sau 3 năm, số địa phương mình đã đi qua tăng đáng kể so năm 2018 (khi mình vừa bắt đầu lên năm 2 Đại học). Khoan nói về chất lượng các chuyến đi, việc được đặt chân đến 32/47 tỉnh thành Nhật Bản đã là điều ngoài sức tưởng tượng đối với mình. 

Nhờ việc thống kê và lưu giữ các địa điểm trong điện thoại, mỗi khi mở trang web ra cập nhật, mình có động lực cố gắng đi nhiều hơn.

Trong 3 năm, ngoài những chuyến đi tự phát của bản thân, để tiết kiệm chi phí, mình đăng kí tham gia các hoạt động do trường Đại Học tổ chức. Vì là du học sinh vừa học vừa làm, thu nhập của mình có hạn, thời gian phải phân bố cho cả việc học, việc làm, và việc chơi. Do đó, mình luôn cố gắng nắm bắt những mục tiêu tới của mình là địa điểm nào, một khi trường có phát động hoạt động nào đó, nếu là nơi mình chưa đến, mình sẽ đăng kí ngay. Việc này như “một mũi tên, trúng hai đích”, số tiền bỏ ra ít nhưng vẫn có được những chuyến đi chất lượng.

Ví dụ như các chương trình tình nguyện, các chương trình giao lưu với học sinh và người dân ở các địa phương. Nhờ các hoạt động này, các chuyến đi không chỉ dừng lại ở “mức độ thăm thú”, mà mình còn có cơ hội được “thâm nhập” vào cuộc sống của người dân bản địa, qua đó học được thêm về những đặc trưng của mỗi vùng miền trên khắp nước Nhật. 

Tóm lại

Mình nhận thấy việc list và theo dõi được những địa điểm đã đi thực sự có ích với mình – một đứa rất thích du lịch, thích chinh phục vùng đất mới. Tuy nhiên, cá nhân mình cảm nhận được việc quá phụ thuộc vào những bảng thống kê như này cũng có những điểm không tốt nhất định. 

Những ưu điểm và nhược điểm, mình xin được tóm tắt lại như sau:

Ưu điểm

  • Dễ dàng thống kê được nơi mình đã đi, nơi mình chưa đi trong 47 tỉnh thành Nhật Bản.
  • Giúp ích cho việc lên kế hoạch những chuyến đi tới.
  • Giúp gợi nhớ, xác định vị trí của 47 tỉnh thành trên bản đồ một cách chính xác.

Đây chính là một cách mình “ôn luyện” học thuộc bản đồ Nhật Bản.

Xem thêm: Học thuộc 47 tỉnh thành Nhật Bản

Nhược điểm

  • Khiến bản thân cứng nhắc trong quá trình lên lịch trình. Làm cuộc vui không còn “phiêu” đúng chất 😆

Khi lên lịch trình cho chuyến đi, mình nảy sinh ham muốn “đi cho bằng hết”, “nhanh nhanh tô màu những tỉnh, thành phố chưa đi”. Từ đó, mình có xu hướng “nhồi nhét” quá nhiều địa điểm trong một khoảng thời gian có hạn. Khiến xảy ra một vài vấn đề như: 

1. Chưa khám phá được trọn vẹn địa điểm, tỉnh thành này đã chuyến sang địa điểm khác, tỉnh thành khác. 

2. Sức khoẻ giảm sút, đồng nghĩa chất lượng chuyến đi cũng bị giảm. Với khoảng thời gian có hạn nhưng “quá tham” di chuyển. Đến nơi cần đến thì đã “mệt rũ người”.

3. Chất lượng chuyến đi bị giảm.  Từ đánh giá “chất lượng” chuyển sang đánh giá “số lượng”.

Kết luận lại, dù có những khuyết điểm nhất định, tuy nhiên nếu biết cân bằng và tính toán hợp lý, mình tin rằng mỗi chuyến đi sẽ là trải nghiệm đáng nhớ với bản thân mỗi người.

Ề tồ chúc bạn sẽ tìm ra phương án hiệu quả và luôn vui với những chuyến đi của mình nhé!

Fukuoka.EETO

Ảnh chụp tại Fukuoka, Nhật Bản

Tháng 9 năm 2020.




Xem thêm

Fukuoka: Cửa ngõ dẫn vào Kyushu

8 địa điểm không được bỏ lỡ khi đến Fukuoka

7 điều mình thích nhất về thành phố Tokyo

Lang thang ở Beppu – thành phố của suối nước nóng

MỤC LỤC

Nội dung thuộc bản quyền của Ề tồ - Hôm nay ăn gì. 

Vui lòng xem thêm Bản quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.