Kể từ sau đại dịch Covid, lạm phát tại Nhật Bản càng trở nên tăng cao. Đồng yên giảm mạnh sau 24 năm tác động trực tiếp tới cuộc sống của các hộ gia đình. Để đối phó “cơn bão vật giá leo thang”, nhiều bà nội trợ Nhật Bản “rỉ tai nhau” phương pháp điều chỉnh chi phí ăn uống – chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng phí sinh hoạt hàng ngày.
Trong bài viết này, Ề tồ sẽ chia sẻ với bạn 9 mẹo bỏ túi tiết kiệm chi phí ăn uống mà Ề tồ học lỏm được các bà mẹ Nhật.
1. Tạo ngân sách hàng tháng cho việc ăn uống
2. Không mua bất kỳ thứ gì ngoài list đồ cần thiết
3. Giảm thiểu tối đa số lần đi mua sắm
4. Tránh mua sắm ở hàng tiện lợi
5. Thanh toán bằng thẻ tích điểm
6. Tích cực mua nguyên liệu có tính tiết kiệm cao
7. Tranh thủ hàng giảm giá, đồ khuyến mãi
1. Tạo ngân sách hàng tháng cho việc ăn uống
Việc đầu tiên bạn phải làm để tiết kiệm chi tiêu ăn uống hàng tháng là lập ra một con số chi tiêu lý tưởng. Tùy vào thu nhập của mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà con số này lại khác nhau. Tuy nhiên, một kinh nghiệm bỏ túi là bạn không nên đề ra một con số quá khó để đạt được. Hãy bắt đầu ở mức độ “cố gắng một chút là có thể thực hiện” rồi tăng dần mức độ khó sau mỗi tháng nhé.
Gợi ý: Tạo mục tiêu chi trả cho việc ăn uống bằng 15% tổng thu nhập.
Chẳng hạn, với mức lương 200,000 yên/ tháng thì không nên tiêu quá 30,000 yên cho việc ăn uống.
Tạo mục tiêu chi tiêu ăn uống hàng tháng bằng 15% tổng thu nhập.
Việc thường xuyên ăn hàng thay vì tự nấu nướng thường sẽ làm chi tiêu ăn uống hàng tháng của gia đình bạn tăng lên khá nhiều. Vì vậy, hãy đặt mục tiêu để giảm thiểu chi phí ăn ngoài. Với những bạn có thói quen ăn hàng, việc lên mục tiêu “Không bao giờ ăn ngoài!” là rất khó thực hiện. Hãy bắt đầu với một mục tiêu “dễ thở” như “Chỉ ăn ngoài hàng vào cuối tuần”.
Gợi ý: Giảm tối thiểu việc ăn ngoài chỉ bằng 10%~20% tổng chi tiêu ăn uống.
Chẳng hạn, bạn đề ra mục tiêu không tốn quá 30,000 yên cho việc ăn uống hàng tháng, thì việc ăn ngoài chỉ nên chiếm khoảng 6000 yên. Hãy giới hạn chỉ ăn vào ngày cuối tuần hoặc dịp đặc biệt.
Cố gắng tự nấu nướng nhiều nhất có thể.
Không tiêu quá 10%~20% tổng chi tiêu ăn uống hàng tháng cho việc ăn ngoài.
2. Không mua bất kỳ thứ gì ngoài list đồ cần thiết
Một trong những nguyên nhân khiến chi phí ăn uống “bị đội lên” là do mua những sản phẩm không cần thiết. Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi thường có nhiều “mánh khóe” khuyến khích khách hàng mua đồ nhiều hơn. Chẳng hạn, đặt bột cà ri và cà rốt bên cạnh khoai tây khiến khách hàng liên tưởng đến thực đơn liên quan là “cơm cà ri”, và chúng ta có xu hướng nhặt những nguyên liệu mà ban đầu không định mua.
Để tránh mua những món đồ không cần thiết, các bạn nên kiểm tra tủ lạnh, viết ra thực đơn bữa ăn và danh sách các món đồ cần thiết trước khi đi mua sắm. Luôn giữ quy tắc vàng “Không mua bất cứ gì khác ngoài những món đồ tôi đã ghi ra”, tránh mua trùng lặp hay mua quá nhiều khiến không tiêu thụ được hết trước hạn sử dụng.
Tạo danh sách những đồ cần thiết trước khi đi mua sắm.
3. Giảm thiểu tối đa số lần đi mua sắm
Một cách đơn giản mà hiệu quả để giảm chi phí thực phẩm hàng tháng là tránh đi siêu thị quá nhiều lần. Việc “tạt qua” siêu thị với tần suất nhiều lần trong tuần chỉ khiến chúng ta mua thêm những thực phẩm và đồ xa xỉ không cần thiết.
Hãy nắm bắt những thứ còn trong tủ lạnh, giảm số lượng đồ cần thiết và đặt tần suất đi mua sắm chỉ 1,2 lần/ tuần.
Không nên đi siêu thị quá nhiều lần trong tuần.
Cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 có mọi sản phẩm cần thiết và là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, giá bán ở hàng tiện lợi thường được ấn định đắt hơn nhiều so với siêu thị hay chợ truyền thống, vì nó bao gồm những chi phí như tiền điện, phí nhân công để hoạt động liên tục 24 giờ. Do vậy, đừng lạm dụng nếu bạn muốn tiết kiệm tiền.
Hãy mua sắm ở chợ truyền thống và siêu thị, thay vì đến cửa hàng tiện lợi nhé!
Các bạn sống độc thân thường bận bịu với công việc và có xu hướng sử dụng hàng tiện lợi sau khi tan làm muộn. Nhưng hãy nhớ rằng, nếu liên tục mua sắm ở cửa hàng tiện lợi, bạn sẽ không bao giờ tiết kiệm được tiền!
Cố gắng liệt kê danh sách các đồ cần thiết và mua sắm đầy đủ vào cuối tuần bạn nhé!
5. Thanh toán bằng thẻ tích điểm
Nếu bạn thường xuyên sử dụng tiền mặt khi đi mua sắm thì có thể cải thiện chi tiêu bằng cách thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ điện tử. Khi sử dụng phương thức thanh toán là thẻ, bạn sẽ có điểm tích lũy để dùng vào lần kế tiếp hoặc dự trữ dần để đổi lấy phiếu quà tặng.
Ngoài ra, lợi ích của việc dùng thẻ để mua hàng là lịch sử thanh toán được ghi lại. Do vậy, bạn sẽ dễ dàng thống kê, quản lý số tiền đã chi tiêu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.
Thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ điện tử để tích lũy điểm giảm giá.
6. Tích cực mua nguyên liệu có tính tiết kiệm cao
Nấu ăn ở nhà là điều kiện tiên quyết giúp tiết kiệm chi phí ăn uống. Tuy nhiên, tùy vào nguyên liệu sử dụng mà có khi chi phí tự nấu lại cao lên. Chẳng hạn như mua phải những loại thực phẩm trái mùa có giá thành đắt, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu đắt tiền,…
Để tiết kiệm chi phí một cách hiệu quả, bạn nên tích cực “tranh thủ” những loại rau củ, trái cây theo mùa, hay các nguyên liệu của hãng bình dân trong nước có giá thành rẻ. Ngoài ra, nên chú trọng các nguyên liệu có giá thành ổn định, khối lượng lớn có thể sử dụng trong nhiều thực đơn. Chẳng hạn các bà nội trợ ở Nhật cực kỳ thích: bắp cải, khoai tây, giá đỗ, đậu hũ, ức gà,… là các loại thực phẩm mang tính tiết kiệm điển hình.
Tích cực sử dụng các loại thực phẩm theo mùa có khối lượng lớn, dễ chế biến trong nhiều món ăn.
Tiết kiệm chi phí ăn uống không có nghĩa là nhịn ăn hay ăn ít đi. Hãy lựa chọn thực phẩm một cách thông minh, để vừa đủ chất dinh dưỡng mà lại không tốn kém quá nhiều nhé!
Xem thêm: 9 nguyên liệu giúp nấu ăn tiết kiệm mà mẹ Nhật thường dùng
7. Tranh thủ hàng giảm giá, đồ khuyến mãi
Các siêu thị ở Nhật thường xuyên giảm giá cho các sản phẩm sắp hết hạn sử dụng hoặc các sản phẩm không bán được ngay trước giờ đóng cửa. Nếu là các sản phẩm bạn có thể sử dụng ngay được, hãy tận dụng chúng để tiết kiệm chi phí nhé!
Tuy nhiên vẫn phải nhớ rằng chỉ mua trong giới hạn có thể tiêu thụ được, tránh để thừa gây lãng phí.
Sử dụng hàng giảm giá để tiết kiệm chi phí.
8. Sử dụng triệt để những nguyên liệu thừa
Với các nguyên liệu không sử dụng hết, bạn có thể ăn chúng vào bữa sáng hay cho vào hộp cơm trưa của ngày hôm sau. Nếu chẳng may nấu lượng quá nhiều cho một bữa ăn, hãy để nguội rồi chia vào các túi zip, cấp đông ở ngăn đá để thưởng thức vào một bữa khác trong tuần.
Các loại thịt tươi hay rau củ không dùng hết, tránh đổ đi mà sử dụng để làm các món thập cẩm như cơm trộn, cơm cuộn thập cẩm, mì trộn thập cẩm, lẩu thập cẩm, súp thập cẩm,…
Tận dụng triệt để các nguyên liệu thừa.
Với cơm thừa, bạn có thể chế biến cơm nắm để dùng trong các bữa ăn ngày hôm sau.
9. Phát huy tối đa công suất của lò vi sóng và tủ đông
Nếu bạn mua một số lượng lớn rau củ và thực phẩm giảm giá, hãy tận dụng tủ đông để dự trữ, đồng thời phát huy chế độ rã đông của lò vi sóng để sử dụng hết nguyên liệu mà không làm hỏng chúng.
Dự trữ đồ ăn bằng tủ đông và khi sử dụng thì rã đông bằng lò vi sóng.
Khéo léo chia nhỏ nguyên liệu lượng vào từng túi, mỗi túi vừa đủ ăn cho một bữa ăn, rồi cấp đông. Khi sử dụng, bạn chỉ cần rã đông phần bạn muốn dùng. Điều này không những giúp tiết kiệm thời gian mà còn tiết kiệm hóa đơn tiền điện nữa đó!
Những bữa ăn không tốn quá nhiều chi phí nhưng đầy ắp niềm vui.
Trên đây, Ề tồ đã giới thiệu với bạn 9 cách tiết kiệm chi tiêu ăn uống hàng tháng mà Ề tồ học được từ các bà nội trợ Nhật. Để đối phó với tình hình vật giá leo thang chóng mặt, chúng mình đang áp dụng những phương pháp này và thấy hiệu quả rõ rệt.
Xem thêm: 9 nguyên liệu giúp nấu ăn tiết kiệm mà mẹ Nhật thường dùng
Hi vọng những thông tin Ề tồ chia sẻ sẽ giúp bạn quản lý chi tiêu ăn uống một cách khoa học hơn!
Arigatou,
Ề tồ
Chia sẻ bài viết
Nguồn tham khảo
Xem thêm
Bí quyết sống thọ của người Nhật
Người Nhật xưa ăn gì vào mùa hè?
Bữa trưa của học sinh Nhật Bản qua các thời kỳ
Món ăn Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản như thế nào?
7 điều mình thích nhất về thành phố Tokyo
Mục lục
Bài viết hay, rất thiết thực cho mọi người nhất là sau đại dịch!
Chúng cháu cảm ơn ạ!