Ở Nhật, khi tiết trời bỗng chốc se lạnh, bước chân vào siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi mà thấy thơm thoang thoảng mùi khoai lang nướng là biết Thu đã lại về.
Phải thú thật, khoai lang có lẽ là một trong những thứ quà của mùa Thu mà Ề tồ yêu thích nhất. Từ nguyên liệu khoai lang, ngoài nướng và hấp, bạn có thể chế biến thành vô vàn món ăn tốt cho sức khỏe.
Hôm nay, tiếp tục chuyên mục Không chỉ là ăn – sau mỗi món ăn là một câu chuyện, Ề tồ chọn nhân vật chính là khoai lang để cùng bạn tìm hiểu “lai lịch” của loại củ này ở Nhật Bản nhé!
Đọc thêm: Mùa thu trong ẩm thực Nhật Bản
Khoai lang có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ và chủ yếu được trồng ở Mexico. Nhiều nguồn ghi lại rằng, việc trồng trọt khoai lang có khoảng từ năm 1000~800 TCN ở các nước nằm trong khu vực trung tâm của dãy Andes (dãy núi dài nhất Thế giới chạy dọc theo bờ Tây của lục địa Nam Mỹ) như Peru, Bolivia và Chile.
Các nhà khảo cổ học tìm thấy một món đồ gốm có hình củ khoai lang và xác định nó có từ khoảng từ năm 600~ 200 TCN. Hình thù món đồ này mang đậm nét văn hóa Mochica (hay còn gọi là nền văn minh Moche) phát triển mạnh mẽ quanh bờ biển phía bắc Peru từ những năm 700~100 TCN.
Vào cuối thế kỷ thứ 15, nhà thám hiểm Christopher Columbus đã mang giống khoai lang từ Mỹ đến châu Âu. Tuy nhiên, thời tiết của các nước châu Âu quá lạnh nên không phù hợp để phát triển loại cây này. Sau đó, người ta đã chuyển giống khoai lang sang các thuộc địa của họ ở Ấn Độ, châu Á và châu Phi, từ đó nuôi trồng, thu hoạch và vận chuyển sang khắp các nước trên thế giới.
Nhiều nguồn ghi lại rằng khoai lang được đưa vào Đông Nam Á bởi người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sau đó lan sang cả Trung Quốc.
Những cánh đồng khoai lang xanh mướt.
Thu hoạch khoai lang.
Khoảng những năm 1600, khoai lang được đưa từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đến Nhật Bản. Ban đầu, khoai lang chỉ được trồng ở vương quốc Lưu Cầu Ryukyu (nay là tỉnh Okinawa), sau được đưa sang cả tỉnh Satsuma (nay là tỉnh Kagoshima). Từ đó, được người dân Nhật Bản gọi loại củ này bằng cái tên Satsuma-imo, ghép bởi tên tỉnh Satsuma và “imo”, nghĩa là khoai.
Vương quốc Ryukyu (tỉnh Okinawa ngày nay) và tỉnh Satsuma (tỉnh Kagoshima ngày nay) trên bản đồ Nhật Bản.
Dưới triều đại của vị Tướng quân thứ 8 Tokugawa Yoshimune, nhà nghiên cứu Hà Lan học có tên là Aoki Konyo đã lan truyền việc sử dụng khoai lang ra khắp nước Nhật. Từ đó, các cơ sở trồng và sản xuất khoai lang bắt đầu mọc lên ở nhiều nơi.
1. Đến năm 2006, diện tích đất canh tác khoai lang trên toàn thế giới là 9 triệu héc ta, sản lượng thu hoạch là 124 triệu tấn, bằng khoảng ½ sản lượng thu hoạch khoai tây.
2. 90% lượng sản xuất khoai lang trên thế giới tập trung ở châu Á. Đứng đầu là Trung Quốc 100 triệu tấn, chiếm 81%. Xếp sau đó là Nigeria, Uganda, Indonesia, Việt Nam, Tanzania và tiếp đến là Nhật Bản.
3. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, lượng sản xuất khoai lang ở Nhật Bản tăng rõ rệt, đỉnh điểm là năm 1955 với sản lượng 7 triệu tấn. Đến những năm 1975, khi thói quen ăn uống của người Nhật bắt đầu thay đổi, sản lượng khoai lang bắt đầu có xu hướng giảm. Hiện tại lượng sản xuất khoai lang trên toàn quốc đang duy trì ở mức 1 triệu tấn/ năm.
4. Ở Nhật, khoai lang được sản xuất với nhiều mục đích khác nhau. Ngoài là loại rau củ sử dụng hàng ngày, khoai lang còn là nguyên liệu sản xuất rượu shochu, sản xuất tinh bột và chế biến bánh kẹo.
5. 3 tỉnh thành sản xuất khoai lang nhiều nhất cả nước là tỉnh Kagoshima (tỉnh Satsuma cũ), tỉnh Chiba và tỉnh Saitama.
Khoai lang được bày bán trong siêu thị ở Nhật.
Ảnh: Ề tồ
Người Nhật rất thích ăn khoai lang nướng mỗi dịp Thu về.
Cơm khoai lang thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm ngày Thu.
Đọc thêm một số bài viết liên quan đến khoai lang:
Cơm khoai lang kiểu Nhật chỉ trong nháy mắt
Cách nấu súp bí đỏ khoai lang béo ngậy
Mùa thu trong ẩm thực Nhật Bản
Nguồn tham khảo
サツマイモ 「どこからきたの?」– Khoai lang đến từ đâu?
Chia sẻ bài viết
Xem thêm
Đằng sau những nắm cơm onigiri Nhật Bản
Câu chuyện về bánh xèo Okonomiyaki Nhật Bản
Cà ri Nhật Bản: từ món ăn du nhập đến món ăn quốc túy
Món ăn Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản như thế nào?
Người Nhật không ăn thịt đến tận thế kỷ 18
Mục lục
Nội dung thuộc bản quyền của Ề tồ - Hôm nay ăn gì.
Vui lòng xem thêm Bản quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh.