Cá hồi là một trong những đặc sản của ẩm thực Thu Nhật Bản.
Mùa thu là thời điểm cho những loại cá như cá hồi dự trữ dinh dưỡng chuẩn bị cho quá trình trú đông và sinh sản. Chính vì vậy, cá hồi vào mùa thu rất chắc và thơm.
Trong bài viết trước thuộc chủ đề Hương vị mùa thu – thổi “Thu Nhật” vào “bếp Việt”, Ề tồ đã giới thiệu đến bạn món Cá hồi áp chảo sốt tartar – một món ăn vô cùng bắt mắt nhưng đơn giản dễ làm.
Trong tập này, tiếp tục sử dụng nguyên liệu chính là cá hồi mùa thu, Ề tồ xin chia sẻ công thức Cơm trộn cá hồi và nấm rất bổ dưỡng mà cũng chỉ mất 10 phút để chuẩn bị.
Chúng mình hi vọng đây sẽ là một gợi ý thú vị cho những ngày Thu bận rộn của gia đình bạn!
*Chưa bao gồm thời gian nấu bằng nồi cơm
NGUYÊN LIỆU
- Cá hồi 2 lát
- Nấm rẻ quạt 1 túi
- Nấm hải sản shiitake 1 túi
(Chọn loại nấm tùy theo sở thích)
- Hành lá một nhúm
- Gạo 3 ống
- Nước lượng thích hợp
Gia vị
- Bột dashi 1 thìa lớn
- Tương shoyu 2 thìa lớn
- Rượu mirin 1 thìa lớn
- Rượu nấu ăn 2 thìa lớn
Chú thích
1 thìa lớn = 15g = 15ml
1 thìa nhỏ = 5g = 5ml
Đọc thêm:
1. Chuẩn bị nguyên liệu
・Cá hồi
Rửa cá qua với nước.
Dùng giấy thấm khô cá.
・Nấm
Cắt gốc. Rửa sạch.
・ Gạo
Vo gạo và cho lượng nước như nấu cơm bình thường.
2. Trộn gia vị
Cho gia vị (bột dashi, tương shoyu, rượu mirin, rượu nấu ăn) vào. Dùng thìa khuấy cho đều gia vị.
Bột dashi
Rượu nấu ăn
Rượu ngọt mirin
Tương shoyu
3. Cho nấm vào
Cho nấm phủ đều trên mặt gạo.
4. Cho cá hồi vào
Nhẹ nhàng xếp hai lát cá hồi lên trên.
5. Nấu cơm
Bấm nút nấu cơm như bình thường.
6. Cơm chín
Khi cơm chín, nhẹ nhàng gắp hai khúc cá hồi ra đĩa. Gỡ xương và đổ phần thịt lên chốc cơm.
Dùng thìa trộn đều hỗn hợp cơm, nấm và cá.
Nồi cơm tỏa ra một mùi hương vô cùng “quyến rũ”!
Bỏ xương và phần da cá riêng ra.
Đổ phần thịt cá lên chốc…
… dùng xới cơm trộn đều.
7. Thưởng thức
Xới cơm ra bát.
Cho một nhúm hành lên chốc và…
tèn ten… cơm cá hồi trộn nấm đã HOÀN THÀNH!
★ Mâm cơm hôm nay của nhà Ề tồ gồm có:
・Cơm trộn cá hồi và nấm
・Canh tương miso rau cải bó xôi và đậu
・Dưa chuột và cà chua trộn dầu mè
・Nếu có thời gian, khi vo gạo hãy ngâm gạo khoảng 30 phút. Sau khi gạo mềm mới cho lượng vừa đủ và cho gia vị vào.
Lý do là muối hay tương shoyu sẽ ngăn gạo hấp thụ nước để hạt cơm chín mềm. Vì thế các bà mẹ Nhật thường bảo nhau rằng, đối với các món cơm trộn cứ ngâm gạo đến khi gạo hấp thụ đủ lượng nước cần thiết thì mới cho gia vị vào nấu.
Tuy nhiên, nếu không “dư dả” thời gian thì bỏ qua “bước ngâm gạo” cũng được nha! Ề tồ cũng thường bỏ qua bước này và nấu luôn. Ăn vẫn thấy “ngon như thường”!
・Nếu chẳng may thừa cơm thì Ề tồ thường nắm phần cơm thừa thành cơm nắm onigiri và cho vào hộp cơm mang đi làm ngày hôm sau.
Một, hai nắm cơm như này là đã rất giàu dinh dưỡng rồi, vì vậy chỉ cần chuẩn bị thêm một chút rau nữa thôi là đã có ngay một hộp cơm đầy đủ dưỡng chất mà lại đẹp mắt!
Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, xin đừng ngần ngại phản hồi cho Ề tồ qua mục “Bình luận” ở phía bên dưới.
Chúc bạn thành công với công thức Ề tồ đã chia sẻ! 😁
Arigatou~🍁
EETO (Ề tồ)
Chuyên mục: HƯƠNG VỊ MÙA THU – Thổi “Thu Nhật” vào “bếp Việt”
Toàn bộ ảnh trong bài được chụp bởi Ề tồ.
Xem thêm
Cơm khoai lang chỉ trong nháy mắt
MỤC LỤC
Nội dung thuộc bản quyền của Ề tồ - Hôm nay ăn gì.
Vui lòng xem thêm Bản quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh.