Cuối tuần vừa rồi, cả mình và Takku đều tranh thủ đi sửa sang lại đầu tóc. Takku thì cắt sửa mái tóc lù xù cho gọn gàng lại. Mình thì vừa cắt vừa nhuộm cho đều màu hơn. Cũng phải nửa năm rồi không động gì đến mái tóc.
Sống ở Nhật cũng suýt soát 7-8 năm, mình có cơ hội trải nghiệm kha khá các quán cắt tóc tại đây. Nhân dịp đi “làm đẹp” lần này, trong khoảng thời gian ngồi chờ, mình thử quan sát, ngẫm nghĩ lại một số đặc trưng hay ho của văn hóa cắt tóc ở Nhật và ghi lại trong bài viết này.
1. Luật “tóc tai”
Suốt nhiều thế kỷ, người Nhật vẫn để tóc dài vì luật tạo kiểu tóc của chính phủ Nhật khá nghiêm ngặt. Nhà nước quy định nam giới phải cạo trán và búi tóc trên đỉnh, trong khi nữ giới phải giữ mái tóc dài. Các tiệm làm đẹp thời này chỉ chủ yếu dừng lại ở việc tạo kiểu hơn là việc cắt sửa tóc.
Sau khi bộ luật cắt tóc sửa đổi vào năm 1871 (tức năm Minh Trị thứ 4) cho phép người dân có thể để tóc tự do, một loạt các tiệm salon làm tóc ra đời.
2. Salon tóc ở Nhật rất rất nhiều
Nếu có cơ hội đến Nhật bạn sẽ thấy ở bất kì một khu dân cư nào cũng phải có vài ba hàng làm tóc. Để miêu tả mức độ phủ sóng của các cửa hàng cắt tóc tại Nhật, mình đã thử tìm kiếm nhanh một con số để so sánh.
Và thật bất ngờ, số lượng salon tóc ở Nhật Bản vào năm 2021 là 254,422 cửa hàng, gấp gần 5 lần so với số lượng cửa hàng tiện lợi tính đến thời điểm tháng 1 năm ấy. (56,948 cửa hàng). Mà khỏi phải nói bạn cũng biết mức độ bao phủ của các cửa hàng tiện lợi như 7 Eleven, Family Mart, Lawson ở Nhật khủng đến như thế nào rồi nhỉ!
Một tiệm salon lâu đời
Ảnh: Ề tồ
3. Giá cắt tóc ở Nhật
・Chỉ tính riêng cắt thì với nữ giới như mình trung bình rơi vào khoảng 3000 yên (600 ngàn VND), nam giới như Takku thì tốn khoảng 1100~ 2000 yên (220~ 400 ngàn VND).
・Thường các cửa hàng đưa ra nhiều mức giá ưu đãi nếu khách hàng sử dụng các coupon khi đặt online. Ngoài ra, một số tiệm còn áp dụng chính sách giảm giá cho sinh viên dưới 24 tuổi, hoặc mở các khung giờ giá rẻ vào ngày thường.
・Các chi phí riêng thường khá đắt. Chả hạn như option cho riêng việc cắt mái cũng ngốn 1000 yên (200 ngàn VND). Đâu có như ở Việt Nam, mọi người toàn cắt mái free cho ấy nhỉ!
4. Không gian salon tóc ở Nhật
・Sau khi trải nghiệm một số salon tóc ở Nhật thì mình rút ra là, càng các quán có giá thành mắc thì không gian và dịch vụ càng “xịn sò” hơn! À mà đây là điều đương nhiên rồi nhỉ =))) Tuy nhiên một điểm nữa mình nhận thấy là dù bình dân hay cao cấp thì quán nào cũng có một giá sách trưng bày đủ loại tạp chí, sách báo ở nhiều thể loại, không chỉ giới hạn chủ đề làm đẹp mà cả các thể loại nấu ăn, du lịch, sức khỏe, nội thất,… Khách hàng có thể tự mình chọn lựa nội dung phù hợp với bản thân để xem trong lúc trải nghiệm dịch vụ tại quán.
Ngoài ra gần đây, nhiều salon làm đẹp đã “update” phương thức từ sách báo giấy lên máy ipad có kết nối thư viện sách. Khách hàng chỉ cần vuốt “vài đường chỉ tay” là một loạt các tạp chí mới nhất hiện ra trước mắt, quá tiện lợi phải không nào!
Nhiều tiệm cắt tóc sử dụng tạp chí điện tử thay cho tạp chí giấy
Ảnh: Ề tồ
・Một số tiệm còn phục vụ cả trà và xịn hơn là cả bánh cho khách hàng.
・Những cửa hàng nhận cắt tóc cho trẻ em thường có ghế ngồi mô hình ô tô (kiểu như máy thú nhún hồi nhỏ mình hay chơi ấy).
Ghế ngồi “vip” dành cho những vị khách nhỏ tuổi
Ảnh: aichi-yomimono.com
5. Phong cách của thợ cắt tóc ở Nhật
Một đặc trưng mình thấy rất hay ở thợ làm tóc tại Nhật Bản là họ không bị bó buộc trong những bộ đồ đồng phục. Mỗi người thợ lại ăn vận theo một style riêng, thể hiện rõ phong cách, cá tính của người ấy.
6. Giao tiếp giữa khách hàng và thợ làm tóc
・Khi đặt lịch làm tóc ở Nhật, bạn có thể chọn stylist mình yêu thích (tùy cửa hàng mà có thể mất thêm phí, phí cao thấp có thể phụ thuộc vào năm làm nghề của stylist).
Không gian bên trong một tiệm làm tóc ở Nhật Bản. Ảnh: ash-hair.com
・Dạo gần đây, nhiều cửa hàng cho khách hàng chọn giữa việc stylist tiếp chuyện hay stylist giữ im lặng trong thời gian phục vụ.
Thực chất, trong ngành dịch vụ làm đẹp ở Nhật Bản, việc stylist tiếp chuyện với khách là điều rất bình thường. Cũng giống như khi lên taxi, người tài xế thường hay bắt chuyện, tạo không khí vui vẻ giúp khách hàng có được trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Tuy nhiên, tùy vào tính tình khách hàng mà có người lại thích nói chuyện, có người lại phàn nàn vì họ thích một không khí tĩnh lặng. Gần đây, để khách hàng cảm thấy thoải mái, nhiều cửa hàng làm đẹp đã áp dụng chính sách để khách có thể chọn lựa khi đặt chỗ.
・Khi nói chuyện với các thợ làm tóc ở Nhật, mình thấy ngạc nhiên vì câu chuyện giữa các lần tới quán đều rất liền mạch, không bao giờ bị trùng lặp. Chẳng hạn như hồi năm hai Đại Học, mình thường xuyên làm tóc ở một quán trên đường Omotesando. Lần đầu đến quán cũng là thời điểm sang xuân, tiết trời cực kỳ mát mẻ. Stylist bắt đầu câu chuyện với mình bằng nội dung “Thời tiết đẹp thế này sắp tới em có dự định đi ngắm hoa anh đào ở đâu không?”. Đến lần tới mình quay trở lại, người stylist cũ lại phục vụ và hỏi chuyện “Thế lần trước em đi ngắm hoa ở chỗ nào thế?”
Khỏi phải nói mình đã thích thú thế nào khi anh stylist nhớ được cả chi tiết câu chuyện lần trước. Sau này, tìm hiểu ra mình mới biết rằng, khi kết thúc một lần phục vụ khách hàng, người thợ thường ghi lại một số nội dung chính về cuộc hội thoại, cũng như một vài đặc điểm của khách hàng và quản lý theo mã số thành viên của khách. Thảo nào họ mới tiếp chuyện được tự tin như vậy chứ!
7. Sự kết nối giữa người làm dịch vụ và khách hàng
Nhân đây mình xin kể thêm cho bạn trải nghiệm salon đầu tiên mình làm khi đến Nhật, đó là một salon làm tóc ngay gần nhà mình. Vốn là do dì mình hay làm ở đấy từ lâu rồi nên mình cũng theo chân đi cùng. Lần đầu tiên đến quán, cả quán từ nhân viên đến chủ quán hô “Irashaimase Xin chao” làm mình giật bắn hết cả mình. Vừa vui vừa sợ =)))))) Nửa năm sau lần làm tóc đó, stylist cắt tóc cho mình ngày đó đã viết thư tay gửi đến hòm thư nhà mình =))) Nội dung đại loại là Dạo này em học tiếng Nhật thế nào rồi? Tóc tai dạo này ra sao, sắp sang mùa mới rồi có thay đổi kiểu tóc thì đến tiệm anh nhé 🤣 Kể ra thì cũng hơi “sến” nhưng thiệt tình phải công nhận service của người ta chu đáo thật!
Ngoài câu chuyện trên là điều mình thực tế trải nghiệm, thì mình được biết nhiều quán còn hay gửi coupon giảm giá đến tận nhà cho khách hàng. Những vị khách đặt qua website sẽ thường xuyên nhận thông báo giảm giá, thư chúc mừng sinh nhật qua email.
8. Một số kĩ thuật riêng
・Khi gội đầu, nhân viên sẽ dùng một chiếc mặt nạ nhỏ đặt lên mắt khách hàng. Khác hẳn với ở Việt Nam, khách hàng và thợ gội đầu cứ “mắt thao láo” nhìn nhau 😆
・Ngoài ra, nhân viên sẽ sử dụng đầu ngón tay để gãi và xoa bóp chứ không phải móng tay. Tuy cách này theo cá nhân mình thấy không có “đã” như ở Việt Nam nhưng sẽ giúp tránh hư tổn phần da đầu.
・Khi cắt, uốn, nhuộm xong, người thợ làm tóc sẽ giơ gương cho khách xem thành phẩm từ đằng sau.
Trên đây mình đã kể ra 8 điều mình thấy thú vị trong ngành dịch vụ làm tóc ở Nhật Bản. Một vài thông tin liên quan đến lịch sử và số liệu, mình tham khảo ở một số nguồn và đính kèm đường link ở phần cuối bài.
Hi vọng những thông tin mình chia sẻ đã giúp bạn hiểu thêm chút nào về ngành dịch vụ cũng như văn hóa hiếu khách Omotenashi được cả thế giới nể trọng của người Nhật.
Chia sẻ bài viết
Nguồn tham khảo
・Luận văn “Quan niệm thẩm mĩ của người Nhật qua các kiểu tóc búi truyền thống các thời đại”
・Những kiểu tóc cầu kỳ của phụ nữ Nhật Bản xưa
・Lịch sử của ngành làm tóc ở Nhật Bản
・Số lượng salon làm đẹp năm Chiêu Hòa 1 là 254422 cửa hàng, con số cao nhất trong lịch sử
・散髪脱刀令 – Luật tự do về kiểu tóc và quần áo
Xem thêm
5 món ăn Nhật từ “ghét ghét” thành “thương thương”
Chúng mình đã có những Giáng sinh rất vui
Thử tài làm mì cốc ở bảo tàng Cup Noodles Museum Yokohama
Phá đảo 7 hàng ramen nổi tiếng nhất Hakata
Có một Amsterdam thu nhỏ đẹp mê hồn ở Huis Ten Bosch
Mục lục
Nội dung thuộc bản quyền của Ề tồ - Hôm nay ăn gì.
Vui lòng xem thêm Bản quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh.