Nguồn: @note thanun
Những năm đầu mới sang Nhật, mình sống ở nhà người thân, có hai em nhỏ đang ở độ tuổi học mẫu giáo. Lần đầu tiên đến trường đón em, mình đã thực sự bất ngờ. Vừa bước vào trường là một tủ kính đặt những phần ăn đầy màu sắc. Trên đó có bảng dinh dưỡng được tính toán chi tiết theo các món ăn (bao nhiêu kcal). Phía dưới là danh sách thực phẩm được lấy từ nguồn nào (nước nào/ tỉnh nào/ thành phố nào).
Hỏi ra mới biết, đây là tủ trưng bày bữa trưa các em đã ăn tại trường ngày hôm đó. Thực đơn được phân chia rõ ràng theo từng độ tuổi. Khi cha mẹ đến đón các em, xem tủ trình bày này là biết bữa trưa hôm nay con mình đã ăn gì, từ đó cân chỉnh với khẩu phần dinh dưỡng tại nhà. Wow! Thật bất ngờ phải không nào!
Bữa trưa đầy màu sắc tại một trường mẫu giáo ở tỉnh Ibaraki
Ảnh: hiraizumi-youchien.ed.jp
Bữa trưa cung cấp 1/3 dinh dưỡng trong ngày, đóng vai trò lớn trong sự phát triển của trẻ nhỏ. Người Nhật từ xa xưa sớm nhận ra điều này. Từ đó, họ cực kì chú trọng xây dựng những bữa trưa tại trường để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Trong tập 2 của mục Kiến thức ẩm thực, hãy cùng Ề tồ xuôi dòng lịch sử, tìm hiểu về sự thay đổi của bữa trưa trường học tại Nhật Bản qua từng thời kỳ nhé!
1. Sự bắt đầu
Năm 1889 (năm Meiji 22*), tại một trường tiểu học tư thục được xây dựng trong một ngôi đền có tên là Daitokuji ở thị trấn Tsuruoka, tỉnh Yamagata (hiện nay là thành phố Tsuruoka), bữa trưa miễn phí được chuẩn bị miễn phí cho trẻ em trong các gia đình khó khăn. Đây được cho là nguồn gốc của bữa trưa cho học sinh tại trường học ở Nhật Bản. Bữa trưa được chuẩn bị bằng gạo và tiền mà các nhà sư của chùa Daitokuji thu được khi đến tụng kinh ở các gia đình trong thị trấn.
Bữa trưa của học sinh Nhật Bản năm 1889
bao gồm cơm nắm onigiri, cá hồi nướng, rau muối Ảnh: 独立行政法人日本スポーツ振興センター
Vào năm 1923 (năm Taisho 12*), bữa trưa cho học sinh dần được lan rộng. Điều này được chính phủ Nhật khuyến khích như một phương pháp cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em. Tuy nhiên sau đó chiến tranh xảy ra, tình trạng thiếu lương thực trầm trọng dẫn đến bữa trưa cho học sinh bị tạm dừng.
Bữa trưa của học sinh Nhật Bản năm 1923
bao gồm cơm năm sắc, canh tương miso
Ảnh: 独立行政法人日本スポーツ振興センター
2. Sau chiến tranh
Tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Nhật bị suy giảm do thiếu lương thực. Do nhu cầu ngày càng cao nên bữa ăn cho học sinh tại trường học đã được cung cấp trở lại. Năm 1954 (năm Showa 29*), “Luật Bữa ăn Học đường” được ban hành, và hệ thống thực thi đã được thiết lập một cách hợp pháp.
Điều 2 của luật đưa ra “Mục tiêu của bữa trưa tại trường học”, một trong số những mục tiêu đó là để “duy trì và cải thiện sức khỏe bằng cách bổ sung dinh dưỡng phù hợp”. Bữa trưa cho học sinh ở trường được chuẩn bị với sự tính toán để cân bằng dinh dưỡng, đáp ứng đủ dinh dưỡng ⅓ ngày cho mỗi học sinh.
3. Viện trợ từ nước ngoài
Năm 1949, Nhật Bản nhận tài trợ bột sữa tách béo từ UNICEF (Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc). Sau đó, sữa được pha từ bột tách béo được cung cấp trong bữa ăn trưa của trẻ em tại trường học.
Tàu chở viện trợ của Mỹ đến Nhật Bản
Ảnh: 独立行政法人日本スポーツ振興センター
Năm 1954, Nhật Bản nhận tài trợ bột mì từ Mỹ. Lần đầu tiên bữa trưa hoàn chỉnh được cung cấp cho trẻ em ở 8 thành phố lớn.
Bữa trưa của học sinh Nhật Bản năm 1958
bao gồm bánh mỳ, sữa pha từ bột, súp
Ảnh: 独立行政法人日本スポーツ振興センター
Những năm 1960
Sữa bột tách béo được tài trợ bởi UNICEF đến năm 1964 được cải tiến thành sữa hỗn hợp (sữa được hoà từ sữa tươi và bột sữa vào với nhau) và đưa vào cung cấp tại trường học.
Bữa trưa của học sinh Nhật Bản những năm 1960
bao gồm sữa hỗn hợp, bánh mì rán, đồ hầm thập cẩm (oden)
(Ảnh: Ề tồ, bảo tàng Edo- Tokyo)
Những năm 1970
Sự Tây hoá xuất hiện rõ rệt trong bữa ăn. Ngoài ra, do tài nguyên thuỷ sản trở nên khan hiếm, thực phẩm làm từ tôm nhỏ (tép) bỗng trở nên được ưa chuộng.
Bữa trưa của học sinh Nhật Bản những năm 1970
bao gồm bánh mỳ bơ, sữa tươi, thanh pho mát trộn tép rán giòn, rau xào thập cẩm kiểu Trung Quốc, trái cây tươi (dưa lưới)
(Ảnh: Ề tồ, bảo tàng Edo- Tokyo)
Những năm 1980
Ở thời kỳ này, gạo đã được đưa vào sử dụng là món ăn chính. Hơn nữa, bữa ăn ở trường học và bữa ăn tại gia đình gần như không có sự khác biệt. Các món ăn được tính toán dinh dưỡng cẩn trọng hơn.
Bữa trưa của học sinh Nhật Bản những năm 1980
bao gồm cơm lúa mạch, trứng cuộn hấp, rau cải bắp thải chỉ, đậu trộn rau củ, canh tương miso. (Ảnh: Ề tồ, bảo tàng Edo- Tokyo)
Những năm 1990
Những năm này, quan điểm giáo dục về chế độ dinh dưỡng ngày càng được xem trọng. Thực đơn bữa trưa cho học sinh tại trường học cũng đa dạng hơn.
Bữa trưa của học sinh Nhật Bản những năm 1990
bao gồm mỳ xào thập cẩm, khoai lang tẩm mật, món rau trộn, súp rau hẹ, trái cây tươi (kiwi), sữa tươi. (Ảnh: Ề tồ, bảo tàng Edo- Tokyo)
Những năm 2000
Quan điểm giáo dục dinh dưỡng ngày càng phát triển. Qua bữa ăn tại trường học, trẻ em được học về phép tắc và giao tiếp trên bàn ăn, dần nhận thức về sự đa dạng văn hoá.
Bữa trưa của học sinh Nhật Bản những năm 2000
bao gồm cơm rang kimchi kiểu Hàn Quốc, nem nhân pho mát, sa lát rau trộn cá kiểu Trung Quốc, súp nấm, thạch đậu kiểu Trung, sữa tươi.
(Ảnh: Ề tồ, bảo tàng Edo- Tokyo)
Những năm 2010
Năm 2011, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản xuất bản cuốn “Sổ tay công nghệ quản lý vệ sinh & nấu nướng”, vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học được đảm bảo chặt chẽ hơn.
Xử lý rau cung cấp cho trường trung học cơ sở
Ảnh: www.gakkyu.or.jp
Năm 2017, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản tiếp tục cho ra mắt cuốn “Vai trò của giáo viên dinh dưỡng và giáo dục về thực phẩm học đường trong tương lai”. Niềm vui đi kèm với giáo dục trẻ nhỏ qua bữa ăn ngày càng được xem trọng ở đất nước Mặt trời mọc.
Các em nhỏ nói cảm ơn “Gochisosamadeshita” sau bữa ăn
Ảnh: www.gakkyu.or.jp
Chú thích
(*) Niên hiệu các năm của Nhật Bản
Meiji (Minh Trị 明治): 1868 – 1912
Taisho (Đại Chính 大正): 1912 – 1926
Showa (Chiêu Hoà 昭和): 1926 – 1989
Heisei (Bình Thành 平成): 1989 – 2019
Reiwa (Lệnh Hoà 令和): 2019 – nay
Nguồn tham khảo
Thông tin và hình ảnh tại bảo tàng Edo – Tokyo được thu thập bởi Ề tồ.
Website:
https://www.maff.go.jp/j/pr/aff/2006/food01.html
https://www.gakkyu.or.jp/info/history/
https://www.zenkyuren.jp/lunch/
Xem thêm
“Số 5” trong đặc trưng ẩm thực Nhật
Tìm hiểu về mì ăn liền ở bảo tàng Cup Noodles Museum
Người Nhật không ăn thịt cho đến thế kỷ 18
7 món ăn không thể bỏ lỡ khi đến Fukuoka
MỤC LỤC
Nội dung thuộc bản quyền của Ề tồ - Hôm nay ăn gì.
Vui lòng xem thêm Bản quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh.