Đôi điều về lễ Tiết phân ở Nhật Bản

eeto image 2

Hôm nay, ngày 3 tháng 2, là ngày lễ Tiết phân ở Nhật Bản.

Đây là một dịp lễ lớn nằm trong những hoạt động đón xuân của người Nhật. Chính vì vậy, khi dịp nghỉ Tết vừa qua là các trung tâm thương mại, cửa hàng, cửa hiệu, các siêu thị đã rộn ràng không khí đón lễ Tiết phân.

  Lễ Tiết phân là gì? Người Nhật làm gì vào ngày lễ này? là điều chúng mình từng rất thắc mắc.

Trong bài viết lần này, Ề tồ xin chia sẻ với các bạn một số thông tin chúng mình thu thập được về ngày lễ này ở Nhật Bản. 

Tiết phân là ngày lễ gì?

Trước đây, “Tiết phân” được cho là ngày lễ trước thời điểm giao mùa, gồm: Lập xuân, Lập hạ, Lập thu, Lập đông. Tức là sẽ có 4 lễ Tiết phân để phân chia bốn mùa trong một năm. Tuy nhiên từ thời Muromachi (1336~1573), người Nhật quyết định dùng cụm từ Lễ Tiết phân để chỉ duy nhất cho ngày lễ trước Lập xuân.

Trong văn hóa dân gian Nhật Bản từ xa xưa tồn tại suy nghĩ rằng 季節の変わり目には邪気が入りやすい – Vào thời điểm chuyển mùa thì dễ bị cảm lạnh. Do vậy vào lễ Tiết phân, người Nhật sẽ cử hành một số hoạt động để trừ quỷ, đánh đuổi tà khí trước dịp xuân về. 

Hoạt động vào lễ Tiết phân ở Nhật Bản

1. Ném đậu nành rang 

Ném và rải đậu nành rang được gọi là Mamemaki, là một hoạt động không thể thiếu vào lễ Tiết phân ở Nhật Bản.

Một người trong gia đình (thường là con trai sinh vào năm con giáp trùng với năm đó) sẽ đội mặt nạ quỷ, hóa thân vào quỹ dữ mang đến tà khí và tai ương. Các thành viên khác trong nhà sẽ vừa ném hạt đậu rang vào quỷ, vừa hô to 鬼は外! 福は内!- Quỷ biến ra ngoài! May mắn ở lại trong nhà! Hoạt động này mang ý nghĩa xua đuổi những điều xui xẻo, cầu may mắn phúc lộc ở lại trong gia đình. Sau khi ném, người ta sẽ nhặt lại những hạt đậu để ăn. Mỗi hạt tương đương với một tuổi cho nên mọi người sẽ ăn số hạt bằng số tuổi của họ và cộng thêm 1 hạt nữa.

7

Ném đậu nành rang vào nhân vật hóa quỷ để đánh đuổi xui xẻo, cầu mong an yên trong gia đình

Lý do hạt đậu nành được sử dụng vào lễ Tiết phân là vì:

  1. Hạt đậu trong tiếng Nhật được gọi là 豆 Mame – có thể coi là cách gọi tắt của cụm 魔を滅する Ma wo Messuru – nghĩa là trừ tà ma.
  2. Trong sách ý học Trung Quốc tên là 神農本草経 “Thần nông bản thảo kinh” có viết rằng 豆は鬼毒を消して痛みを止める – đậu loại bỏ chất độc của quỷ và ngăn chặn nỗi đau.
  3. Trong 5 loại ngũ cốc thì hạt đậu được cho là gây cảm giác đau nhất khi ném trúng

Điểm chú ý là đậu được sử dụng phải là đậu đã được rang lên. Người Nhật cho rằng nếu sử dụng đậu tươi và không nhặt sau khi ném thì những chồi non sẽ mọc lên, những điều không may sẽ sinh sôi nảy nở.

2

Rải và ném đậu nành rang vào lễ Tiết phân là một tập tục có từ lâu đời

2. Ăn sushi cuộn Ehomaki

Người Nhật tin rằng, vào lễ Tiết phân, nhìn về hướng may mắn, im lặng suy nghĩ về điều mình mong muốn và thưởng thức thanh sushi cuộn tròn (tuyệt đối không được cắt thành miếng) thì những ước nguyện của bản thân sẽ trở thành sự thật. Hướng may mắn sẽ thay đổi theo từng năm, ví dụ như năm 2022 là hướng “Bắc Bắc Tây”. Do vậy, các bạn hãy tra cứu thật kĩ trước khi thưởng thức nhé!

4
3

Nhân của sushi cuộn Ehomaki là sự hòa quyện của bảy loại nguyên liệu

Về nguồn gốc của phong tục ăn Ehomaki, có giả thuyết cho rằng bắt nguồn từ cuối thời Edo (1603 – 1868), ở Senba thuộc Osaka, các thương nhân đã bắt đầu hoạt động này để cầu mong buôn may bán đắt, kinh doanh phát đạt. Bên trong của sushi cuộn Ehomaki thường bao gồm bảy loại nguyên liệu, tượng trưng cho bảy vị thần may mắn.

3. Treo bùa cá mòi trước cửa nhà

Vào thời đại Heian (794 – 1185), trong dân gian xuất hiện tập tục treo bùa cá mòi (được gọi là Hiiragi-iwashi) vào lễ Tiết phân trước Lập xuân. Đầu cá mòi (cá Iwashi) sau khi nướng có mùi đặc trưng, được cắm vào cành cây Đông thụ (cây Hiiragi) có lá rất sắc nhọn. Người Nhật tin rằng những vật nặng mùi hoặc sắc nhọn có thể xua đuổi tà ma. Do vậy, treo bùa cá mòi trước cửa nhà là một hoạt động không thể thiếu vào lễ Tiết phân ở Nhật Bản.

5

Bùa cá mòi có tác dụng đuổi tà ma

Lễ Tiết phân từ nhà Ề tồ

“Chiến tranh đậu nành”

Hồi mình còn học ở trường tiếng Nhật, vào giờ ra chơi của ngày lễ Tiết phân, thầy cô giáo sẽ mang mặt nạ quỷ cùng bao nhiêu túi đậu nành lên lớp để cho các bạn học sinh nước ngoài như chúng mình trải nghiệm nét văn hóa độc đáo này của Nhật Bản. Những bạn học sinh nam sinh vào năm con giáp trùng với năm đó sẽ được cử đội mặt nạ quỷ để đóng vai quỷ dữ. Những người khác, mỗi người cầm trên tay một túi đậu nành và thi nhau ném vào bạn hóa thân quỷ. Vừa ném, vừa hô to 鬼は外! 福は内!(Oni wa soto! Fuku wa uchi!) Bạn nào không hô là các cô lại hét lên nhắc nhở “Không được, không được! Phải nói rồi mới ném nhá!” Chả mấy khi có dịp được nghịch như thế này, nên mọi người cực kỳ “hăng máu”, chỉ mấy chốc là hết sạch đậu nành trên tay. Vui thì vui, mà sau đó dọn vệ sinh mới…chết ốm! =))

Đấy là câu chuyện của hồi mình mới qua Nhật. Còn mấy năm nay mình không được trải qua lễ Tiết phân được ném hạt đậu rang như vậy. Thỉnh thoảng đi trong siêu thị, thấy người ta bày bán những gói đậu rang lại làm mình bồi hồi nhớ về kỉ niệm “chiến tranh đậu nành” năm ấy.

tiet phan

Đậu nành rang sẵn được bày bán trong siêu thị

Ảnh: Ề tồ

 

Phát ngán vì Ehomaki

Đến thời học Đại học, cả hai chúng mình đều làm thêm ở một quán sushi băng truyền trước cửa trường mấy năm liền. Thế là cũng trải qua 2, 3 năm đón lễ Tiết phân ở đó.

Mình nhớ như in rằng, chỉ vừa qua Tết thôi là cửa hàng đã thay biển quảng cáo ngày lễ Tiết phân và menu sushi cuộn Ehomaki được dán trang trí khắp quán. Chủ quán và các bác quản lý ngày nào cũng dặn dò mọi người phải chuẩn bị thật kĩ càng, vì vào lễ này lượng khách đặt và mua hàng tăng rất nhiều, phải gấp đôi, gấp ba so với bình thường. Nghe thế thôi mà mấy đứa làm thêm như mình, ai cũng… nản =)) Sát ngày Tiết phân, thay vì 9 giờ sáng bắt đầu vào làm như mọi ngày, chủ quán xếp thêm cả ca từ 7 giờ để mọi người đến chuẩn bị nguyên liệu. Không khí hừng hực từ sáng sớm.

Phải công nhận, lượng tiêu thụ Ehomaki vào lễ Tiết phân cực kỳ “khủng”! Cứ mỗi người một thanh, một gia đình trung bình mua về bốn thanh. Ngoài nhưng đơn đặt hàng từ trước, thì cứ mỗi một mẻ Ehomaki vừa mang ra là chả mấy chốc lại bay hết sạch, khiến đội trong bếp chúng mình phải làm liên tục không được ngừng nghỉ. Tuy nhiên, vì chuẩn bị khá nhiều nên năm nào cũng vậy, cứ đến cuối ngày là còn thừa vài mẻ Ehomaki, nhân viên trong quán sẽ chia nhau đem về thưởng thức với gia đình. Mình thì sợ lắm, cả ngày cuốn cuốn gói gói, đến cuối ngày thì sợ, không còn cảm giác muốn ăn nữa. Mọi người cứ nhét vào túi cho mà toàn phải từ chối.

Năm nay lại ăn Ehomaki

Hôm nay tan làm, vừa về đến ga đã thấy một không khí tấp nập ở quán sushi trước cửa ga. Mình cũng đến ngó nghiêng xem menu Ehomaki năm nay có những gì =)) Nhìn ngon quá khiến mình không kìm lòng được, cuối cùng cũng “rước về” hai thanh, ăn cho có không khí ngày lễ Tiết phân!

tiet phan nhat ban eeto

Mọi người xếp hàng mua sushi cuộn Ehomaki

Ảnh: Ề tồ

Mình chọn một thanh Ehomaki hải sản thập cẩm size nhỏ có giá 690 yên (~138.000VND), còn anh Takku thì lấy thanh thịt cua size chuẩn với giá 650 yên (~130.000VND). 

Trước khi ăn, anh Takku còn mở app la bàn trên điện thoại tra hướng “Bắc Bắc Tây”- là hướng may mắn của năm nay. Mỗi người một thanh, không nói không rằng, im lặng quay về đúng hướng và “ngoạm” hết thanh Ehomaki của mình =)) Thật ra mình cũng muốn thử vị thịt cua của anh Takku cơ, nhưng đúng truyền thống là “của ai người nấy ăn”, nên thôi, hẹn dịp Tiết phân năm sau vậy =))

tiet phan nha eeto

Bữa ăn ngày Tiết phân của nhà Ề tồ

Ảnh: Ề tồ


Nguồn tham khảo

https://skywardplus.jal.co.jp/plus_one/calendar/setsubun/

https://www.jalan.net/news/article/516710/

Xem thêm

Ngày Đông chí ở Nhật – người Nhật ăn gì?

Câu chuyện về mì soba Nhật Bản và công thức ngon đúng điệu

Người Nhật đón năm mới thế nào?

Nhật ký đón Tết ở Nhật Bản của Ề tồ

5 món ăn Nhật từ “ghét ghét” thành “thương thương”

Mục lục

Nội dung thuộc bản quyền của Ề tồ - Hôm nay ăn gì. 

Vui lòng xem thêm Bản quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.