Khác với Việt Nam hay nhiều quốc gia trên Thế giới đón tết thiếu nhi vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1 tháng 6, tại Nhật Bản, trẻ em có lễ thiếu nhi riêng, đó là ngày 5 tháng 5.
Mặc dù gọi là ngày lễ Thiếu nhi (trong tiếng Nhật là Kodomo no Hi), nhưng thực chất ngày 5 tháng 5 được hiểu là ngày lễ dành cho các bé trai. Vì các bé gái đã có ngày lễ riêng, với tên gọi là Hinamatsuri, được tổ chức vào ngày 3 tháng 3.
Trong bài viết này, hãy cùng Ề tồ tìm hiểu về ngày lễ thiếu nhi 5 tháng 5 tại Nhật Bản nhé!
Ngày lễ thiếu nhi mùng 5 tháng 5 ở Nhật Bản xuất phát từ Tiết Đoan Ngọ, trong tiếng Nhật gọi là ngày “Tango no sekku” (端午の節句) có từ thời Nara. Trước đây, người Nhật đón tiết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 theo lịch Âm. Tuy nhiên, kể từ năm 1873, Nhật Bản đổi sang dùng lịch Tây nên ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm cũng được chuyển sang tổ chức theo lịch Dương.
Tiết Đoan Ngọ
Tiết Đoan Ngọ của Nhật Bản vốn được ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc từ thời kỳ Nara (năm 719~784). Đây cũng là dịp đánh dấu sự chuyển mình từ mùa xuân sang mùa hè, chuẩn bị vào những ngày tháng mưa liên miên nên rất dễ sinh bệnh. Do vậy, vào ngày tết Đoan Ngọ, người Nhật xưa thường trang trí hoa diên vĩ – loại hoa dùng để xua đuổi tà ma ác quỷ.
Hoa diên vĩ, trong tiếng Nhật là shobu 菖蒲
Trong triều đình Nhật Bản xưa thường đặt những nhành hoa diên vĩ và lá cây ngải trên mái hiên để đẩy ngừa tai ương. Các gia đình thường dân thì treo vương miện hay quả cầu được tết bằng hoa diên vĩ lên các cột trong nhà, cầu mong sức khỏe và sự an lành đến mọi thành viên.
Quả cầu được kết thành bởi lá cây diên vĩ.
Ảnh: 弥生神社
Đến thời Edo (1603~1868), tiết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 chính thức được ấn định thành 1 trong 5 ngày lễ quan trọng của đất nước.
Đọc thêm về 5 sự kiện này ở:
Vào dịp lễ này, các gia đình tướng lĩnh Samurai, đặc biệt là các gia đình có con trai nối dõi sẽ treo những lá cờ Nobori, mũ giáp Kabuto hay những vũ khí chiến đấu trước nhà. Gia đình dân thường thì thay thế những vật đó bằng hình nộm giấy của các nhân vật lịch sử như anh hùng Benkei, Yoshitsune.
Văn hóa trang trí mũ giáp sắt Kabuto vào ngày 5 tháng 5 có từ thời xa xưa ở Nhật Bản.
Những hình nộm hay mũ giáp sắt đặt trước cửa nhà vừa có ý nghĩa thông báo sự có mặt của bé trai trong gia đình, vừa như tấm bùa hộ mệnh che chở, bảo vệ không chỉ bé trai mà cả các thành viên trong bộ tộc khỏi những tai ương, bệnh tật.
Đến giữa thời kỳ Edo, ý tưởng trang trí cờ cá chép làm bằng giấy bắt đầu xuất hiện trong quần chúng nhân dân.
Lễ Đoan Ngọ ở Nhật Bản trong tranh truyền thống.
( Tác phẩm『江戸砂子年中行事 端午の図』- Sự kiện thường niên ở Edo – Đoan ngọ, của họa sĩ Toyohara Chikanobu)
Cờ cá chép.
Ngày lễ thiếu nhi Nhật Bản
Sau chiến tranh Thế giới thứ hai (năm 1948), tiết Đoan Ngọ hay còn gọi là “Tango no sekku” chính thức được đổi thành ngày lễ thiếu nhi “Kodomo no Hi”.
Theo Hiến Pháp Nhật Bản, ngày lễ thiếu nhi mùng 5 tháng 5 là ngày “こどもの人格を重んじ、こどもの幸福をはかるとともに、母に感謝する” (tôn trọng nhân cách, cá tính của mỗi đứa trẻ, cầu mong hạnh phúc đến trẻ em, đồng thời là sự kiện cảm tạ đến mỗi bà mẹ).
Lễ thiếu nhi được xem là một ngày lễ trọng đại của đất nước. Vì vậy vào ngày này, người dân sẽ được nghỉ, nối liền với các ngày nghỉ lễ quốc gia khác: ngày sinh nhật Thiên Hoàng Chiêu Hòa (29/4), ngày Kỉ niệm Hiến Pháp (3/5), ngày vì môi trường (4/5).
Trang trí búp bê và mũ giáp sắt Kabuto
Vào ngày lễ thiếu nhi mùng 5 tháng 5 ở Nhật Bản, các gia đình có bé trai thường trang trí búp bê võ sĩ Samurai hoặc búp bê Kintaro, kết hợp cùng áo giáp sắt hoặc mũ giáp sắt.
Tượng Kintaro.
Kintaro, hay còn gọi là “cậu bé vàng” , là một vị anh hùng nổi tiếng trong văn học dân gian Nhật Bản. Kintaro mang hình dáng của một cậu bé đeo yếm, tay cầm một chiếc rìu lớn, cưỡi trên lưng một con gấu thay vì ngựa như thông thường và có sức mạnh phi phàm. Người Nhật chuộng trang trí búp bê Kintaro vì mong muốn con trai của họ sẽ lớn lên tử tế và khỏe mạnh như vị anh hùng thiếu nhi Kintaro trong truyền thuyết.
Treo cờ cá chép
Hoạt động treo cờ cá chép vào ngày mùng 5 tháng 5 ở Nhật Bản bắt nguồn từ thời kỳ Edo. Sở dĩ người dân Edo chọn hình ảnh cá chép là bởi ảnh hưởng của một truyền thuyết có từ xa xưa của Trung Quốc. Truyền thuyết này kể rằng, cá chép bơi ngược dòng, vượt thác nước, sau đó hóa thành rồng. Vì vậy, họ bắt đầu treo cờ cá chép, gọi là Koinobori vào ngày mùng 5 tháng 5 để cầu mong những đứa trẻ sinh ra sẽ sống khỏe mạnh và thành công.
Cờ cá chép Koinobori vào ngày lễ Thiếu Nhi tại Nhật Bản.
Ban đầu, cờ cá chép chỉ được trang trí bởi một màu đen duy nhất. Sau đó, người ta bắt đầu thêm vào màu đỏ và màu xanh. Ngày nay, ngoài 5 màu cơ bản tượng trưng cho 5 thời điểm giao mùa: xanh (mùa xuân), đỏ (mùa hè), trắng (mùa thu), đen (mùa đông), vàng (hạ chí) – có tác dụng xua đuổi tà ma, cờ cá chép vào ngày lễ thiếu nhi ở Nhật Bản còn được tô điểm bởi muôn ngàn màu sắc khác. Trong nhiều gia đình, cờ cá chép còn tượng trưng cho các thành viên, chẳng hạn: đen (cha), đỏ (mẹ), xanh (con).
Tắm nước lá diên vĩ
Vào ngày lễ thiếu nhi tại Nhật Bản, những gia đình thường cho các bé trai tắm với nước lá diên vĩ. Đây là hoạt động có từ thời Edo, ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa cổ đại. Ngoài dùng lá diên vĩ để tắm, người xưa còn sử dụng để trang trí hay ngâm rượu, có tác dụng xua đuổi tà ma. Đặc biệt, diên vĩ trong tiếng Nhật là shoubu 菖蒲, đồng âm với shoubu 尚武 có nghĩa là thượng võ, và shoubu 勝負 có nghĩa là thắng bại. Cha mẹ tắm cho con trai trong nước ngâm lá diên vĩ này với mong muốn đứa con của mình lớn lên khỏe mạnh, biết chống cái ác, bảo vệ chính nghĩa để giành lấy thành công.
Các bé trai Nhật Bản được tắm bằng nước lá cây diên vĩ vào ngày lễ mùng 5 tháng 5.
Bánh Kashiwa Mochi
Vào ngày lễ thiếu nhi, trong các bữa ăn của gia đình người Nhật thường xuất hiện món bánh mochi kashiwa.
Mochi kashiwa là loại bánh truyền thống có từ thời Edo. Bánh được làm làm từ gạo nếp, bên trong là đậu đỏ nguyên hạt hoặc đậu đỏ nghiền, bên ngoài được gói bởi lớp lá sồi non. Những năm gần đây, bánh mochi kashiwa màu xanh làm từ bột lá ngải cứu, hay bánh mochi kashiwa màu hồng với nhân là bột miso cũng rất được ưa chuộng.
Bánh Kashiwa Mochi màu hồng, được bọc bởi lớp lá sồi.
Bánh Chimaki
Ngoài bánh mochi Kashiwa, bánh chimaki cũng là một món ăn điển hình vào ngày lễ thiếu nhi ở Nhật Bản.
Văn hóa ăn bánh chimaki (bánh ú) của người Nhật xuất hiện từ thời Bình An (năm 794-1185), ảnh hưởng từ cách đón tết Đoan Ngọ của người Trung Quốc. Ban đầu, người ta chỉ sử dụng cỏ tranh 茅 (chigaya) để gói bánh. Sau khi lan rộng ra khắp các vùng miền trên cả nước thì xuất hiện nhiều biến tấu như sử dụng lá tre. Bên trong lớp vỏ lá cây là bột gạo nếp và lớp nhân đậu mềm.
Bánh chimaki (bánh ú) được ưa chuộng vào ngày lễ Thiếu nhi tại Nhật Bản.
Người Nhật ăn bánh chimaki vào ngày lễ thiếu nhi để cầu nguyện cho sự phát triển khỏe mạnh của mỗi đứa trẻ trong gia đình. Lá cỏ tranh và lá tre dùng để bọc chimaki có hương thơm nồng, mang tác dụng xua đuổi ma quỷ, đem đến sự an yên. Màu sắc của sợi chỉ dùng buộc bánh chimaki cũng có ý nghĩa. 5 màu chỉ là: đỏ, xanh, vàng, trắng, đen tương ứng với “kim, thủy, mộc, thủy, hỏa” được coi là khởi nguyên của vạn vật trong thuyết ngũ hành. Bằng cách kết hợp năm yếu tố này, người Nhật tin rằng sẽ đem lại sự may mắn, sức khỏe và bảo vệ đứa trẻ trẻ khỏi những cái ác.
Bánh gio Akumaki
Akumaki là một loại bánh nguồn gốc từ tỉnh Kagoshima. Nó được cho là thực phẩm mà trước đây những người lính của gia tộc Satsuma thường mang theo khi họ ra trận.
Bánh akumaki rắc bột đậu nành.
Bánh Akumaki được làm bằng cách gói gạo nếp đã ngâm trong dung dịch kiềm vào lá tre, buộc chặt bằng dây rồi sau đó lại đun vào dung dịch kiềm. Bằng cách này, vi khuẩn sẽ không thể phát triển được, từ đó giúp bánh có thể được bảo quản lâu hơn. Khi thưởng thức, người ta sẽ gọt bỏ vỏ, cắt bánh thành miếng vừa ăn, rắc bột đậu nành hoặc đường nâu lên mặt bánh.
Ngày nay, Akumaki thường được các gia đình ở vùng phía Nam Nhật Bản như Kagoshima, Miyazaki, Kumamoto thưởng thức vào ngày lễ thiếu nhi mùng 5 tháng 5.
Bánh Beko Mochi
Vào ngày lễ trẻ em, các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc Nhật Bản thường chuộng thưởng thức bánh mochi beko. Bánh có hai màu trắng và nâu, hình dạng giống một chiếc lá trông rất đẹp mắt.
Bánh Bekomochi được ưa chuộng ở các tỉnh phía Bắc Nhật Bản, từ Hokkaido đến Yamagata.
Trên đây, Ề tồ đã giới thiệu với các bạn về ngày lễ thiếu nhi Kodomo no Hi tại Nhật Bản.
Để đọc thêm các bài viết liên quan đến sự kiện trong năm của người Nhật, mời bạn ghé qua:
☞ Người Nhật đón năm mới thế nào?
☞ Ăn cháo thất thảo vào ngày Nanakusa no Hi ở Nhật
☞ Đôi điều về lễ Tiết phân ở Nhật Bản
☞ Ngày Đông chí ở Nhật – người Nhật ăn gì?
Arigatou,
Ề tồ.
Chia sẻ bài viết
Nguồn tham khảo
Lịch sử của tiết Đoan Ngọ và ngày thiếu nhi tại Nhật Bản
Xem thêm
Bữa trưa của học sinh Nhật Bản qua các thời kỳ
9 cách tiết kiệm tiền ăn uống hàng tháng của mẹ Nhật
Bí quyết sống thọ của người Nhật
Cà ri Nhật Bản: từ món ăn du nhập đến món ăn quốc túy
Mục lục
Nội dung thuộc bản quyền của Ề tồ - Hôm nay ăn gì.
Vui lòng xem thêm Bản quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh.