Ngày Tết ở Nhật – người Nhật làm gì sau thời khắc Giao thừa?

Tiếp tục của phần trước:

Ngày Tết ở Nhật – người Nhật đón năm mới thế nào?

EETO600900 12

Thiệp chúc mừng năm mới.

Ảnh: Ề tồ

EETO 2022 01 05T233941.024

Thiệp chúc mừng năm mới. Ảnh: Ề tồ

Ở Nhật, ngày Tết có thể nói là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Cũng giống ngày Tết ở Việt Nam, vào dịp lễ này, quán xá cửa hàng cửa hiệu ở Nhật đóng cửa, mọi người đi làm xa thường về quê để trải qua một kì nghỉ với gia đình, họ hàng và bạn bè. 

Lịch sử ngày Tết ở Nhật

Trước năm 1873 (năm Meiji 6), cũng giống như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, Nhật Bản đón Tết theo lịch Âm, hiện nay gọi là “Kyusho-gatsu” 旧正月 (Tết cũ). Bắt đầu từ năm 1873, Nhật Bản đổi ngày ăn Tết giống với các nước Châu Âu, tức là theo lịch Dương (1/1), gọi là “Oshou-gatsu” お正月.

Xem thêm các bài viết về ngày Tết ở Nhật tại đây.

Sau thời khắc Giao thừa ở Nhật

1. Đón ánh bình minh đầu tiên của năm mới Hatsuhi-no-de 初日の出

Một trong những cách đón chào năm mới đặc biệt nhất ở Nhật Bản là đi đón ánh bình minh đầu tiên.

Người Nhật quan niệm rằng vị thần năm mới Toshigami sẽ xuất hiện cùng ánh mặt trời đầu tiên của năm. Do vậy, để tận hưởng khoảnh khắc đó, người Nhật hay cùng gia đình và bạn bè tìm đến những nơi có không gian thoáng đãng như đỉnh núi, bờ biển, ven sông, tầng cao của các tòa nhà,…  để đón được ánh bình minh đầu năm đẹp nhất.

yuigahama2

Đón ánh bình mình đầu tiên của năm mới là một trong những hoạt động yêu thích của người Nhật vào dịp Tết. Ảnh: Ề tồ

EETO 2022 01 05T235010.649

Đắm chìm trong ánh mặt trời đầu tiên. Ảnh: Ề tồ

2. Lễ chùa đầu năm Hatsumoude 初詣

Lễ chùa đầu năm

Cũng giống ở Việt Nam hay nhiều nước, việc lễ chùa đầu năm để cầu mong một năm sức khỏe bình an, công việc và học tập diễn ra suôn sẻ, thuận lợi là một điều không thể thiếu ở Nhật Bản. Người Nhật gọi nghi lễ viếng chùa đầu năm là “Hatsumoude” 初詣.

Ở Tokyo, tàu chạy xuyên đêm giao thừa nên nhiều gia đình khởi hành đi lễ từ đêm 31. Ngày đầu năm, ở các chùa hay thần điện (đền thờ thần đạo) nổi tiếng tại Tokyo như Sensoji ở Asakusa hay Meiji Jingu thường vô cùng đông đúc. Thậm chí vào sáng mồng 1, mọi người phải xếp hàng đến 2 tiếng mới vào đến chùa.

62

Khung cảnh chùa đầu năm

Ảnh: Ề tồ

61

Lễ chùa đầu năm

Ảnh: Ề tồ

Đồng 5 yên “Go en” 五円

Khi đi lễ ở chùa hay thần đạo, người Nhật thường sử dụng đồng xu 5 yên.

Đồng xu 5 yên có phát âm trong tiếng Nhật là “Go en” – giống với với chữ “Duyên”, được cho là đem lại may mắn. Trước Tết, các bà các mẹ thường chú ý giữ lại thật nhiều đồng 5 yên khi đi mua hàng để sử dụng vào dịp lễ chùa đầu năm.

32

Đồng 5 yên đồng âm với chữ “Duyên” được tin là đem lại may mắn

Rút quẻ “Omikuji” おみくじ 

Ngoài việc lễ chùa thì rút quẻ cũng được nhiều người làm khi đi viếng chùa đầu năm. 

Người Nhật quan niệm quẻ đầu năm sẽ cho bạn biết được vận mệnh tiền tài chính xác trong năm tới của mình. Nếu là quẻ tốt thì sẽ gói mang về, còn quẻ xấu thì treo lại vào cành thông, hoặc các thanh treo quẻ xui trong chùa để được giải trừ.

Có 2 loại thứ tự quẻ bói chung, đó là:

大吉 (Daikichi) – Đại cát

(Kichi) – Cát

中吉 (Chu-kichi) – Trung cát

小吉 (Sho-kichi) – Tiểu cát

末吉 (Sue-kichi) – Mạt cát

(Kyo) – Hung

大凶 (Daikyo) – Đại hung

Hoặc

大吉 (Daikichi) – Đại cát 

中吉 (Chu-kichi) – Trung cát

小吉 (Sho-kichi) – Tiểu cát

(Kichi) – Cát

末吉 (Sue-kichi) – Mạt cát

(Kyo) – Hung

大凶 (Daikyo) – Đại hung

Vị trí của quẻ “Cát” có thay đổi tùy vào từng đền chùa.

Nếu muốn biết thêm chi tiết bạn hãy hỏi trực tiếp những nhân viên trong đền nhé!

boc que

Bốc quẻ đầu năm

Ảnh: Ề tồ

EETO 2022 01 11T011657.670

Nhiều thùng đựng quẻ được đặt ở trong chùa vào ngày Tết. Ảnh: Ề tồ

39

Quẻ xấu sẽ được treo lại trên cành thông tại chùa. Ảnh: Ề tồ

3. Tiền lì xì đầu năm Otoshidama お年玉 

Hoạt động trao tiền lì xì vào đầu năm này có điểm tương đồng với Việt Nam chúng mình. 

Tiền lì xì “Otoshidama” được người lớn dựng trong những phong bao vô cùng bắt mắt gọi là “Pochibukuro” và trao cho trẻ nhỏ vào ngày Tết. Cũng giống trẻ em ở Việt Nam, nhận tiền lì xì Otoshidama có lẽ là điều trẻ em Nhật Bản háo hức nhất vào dịp Tết.

otoshidama

Ở Nhật cũng có văn hóa trao lì xì cho trẻ nhỏ vào dịp Tết

EETO 2022 01 06T092748.902

Những phong bao lì xì cũng được bày bán vô cùng đa dạng. Ảnh: Ề tồ

4. Ăn hộp cơm Osechi

 Osechi là món ăn được ăn trong ngày Tết ở Nhật Bản. Đây là những hộp cơm được chuẩn bị sẵn từ trước Tết để mọi người thưởng thức vào ba ngày đầu năm mới. Trong văn hóa Nhật, để chào đón vị thần năm mới đến nhà, người Nhật có truyền thống tránh dùng lửa vào ngày đầu năm mới. Do đó, những hộp cơm Osechi này được các bà, các mẹ rục rịch chuẩn bị từ trước Tết.

Trước đây, hộp Osechi có đến 5 tầng với rất nhiều nguyên liệu đa dạng. Những năm gần đây, vì các gia đình thường có ít thành viên hơn nên những hộp cơm Osechi 2, 3 tầng trở nên phổ biến hơn. Ngoài ra, do cuộc sống ngày càng bận rộn nên nhiều gia đình thường đặt Osechi ở các cửa hiệu, hàng tiện lợi để đỡ mất công chuẩn bị.

Cũng giống mâm ngũ quả vào ngày Tết ở Việt Nam, mỗi nguyên liệu được sử dụng trong hộp Osechi đều có những ý nghĩa riêng. Chẳng hạn như đậu đen 黒豆(kuromame) có ý nghĩa cầu mong một sức khỏe tốt để sống và làm việc; trứng cá muối 数の子(kazunoko) tượng trưng cho sự sung túc, con đàn cháu đống; tôm 海老(ebi) thể hiện sự trường thọ, sống dẻo dai như thân tôm, hơn nữa màu đỏ của tôm còn có ý nghĩa trừ tà,…

34

Mỗi nguyên liệu trong hộp cơm Osechi đều mang một ý nghĩa riêng. Ảnh: sưu tầm.

5. Ăn súp bánh dầy Ozoni お雑煮

Ozoni là một món súp đặc biệt với Mochi (bánh gạo nếp), được ăn vào dịp Tết ở Nhật Bản.

Tùy vào từng vùng miền hay từng gia đình lại có cách chế biến và sử dụng nguyên liệu nấu súp Ozoni khác nhau. Chẳng hạn như: khu vực Kanto (bao gồm Tokyo) thường dùng miếng bánh mochi có hình vuông với nước dùng từ tương Shoyu, còn khu vực Kansai (bao gồm Osaka) thường sử dụng bánh mochi có hình tròn, ăn kèm nước súp từ tương miso trắng.

Tuy không có quy định chính xác về thời điểm ăn súp Ozoni vào ngày Tết, nhưng người Nhật thường truyền tai nhau một số ý kiến như「三が日の間は毎日食べるべき」- nên ăn vào 3 ngày đầu năm (1/1~3/1), hay là「毎日お餅を1つずつ増やして食べれば縁起がいい」- vào 3 ngày đầu năm, nếu mỗi ngày ăn tăng thêm một miếng mochi thì sẽ gặp may mắn.

35

Súp bánh dầy Ozoni ở mỗi khu vực lại có cách chế biến khác nhau

Một số hoạt động sau Tết

1. Đi mua chiếc túi may mắn Fukubukuro 福袋

Vào ngày bán hàng đầu tiên của năm, các cửa hàng cửa hiệu ở Nhật thường bày bán túi Fukubukuro 福袋.  Fukubukuro 福袋 được hiểu là chiếc túi may mắn, chứa bên trong rất nhiều vật phẩm. Tuy nhiên, vì là túi giấy được bọc rất kỹ nên bạn không thể biết trước được trong túi có những sản phẩm gì. 

Các cửa hàng thời trang thường không muốn giữ hàng tồn kho của các năm trước nên đây chính là dịp họ vô cùng “hào phóng” xả hết những mặt hàng của năm cũ. Nếu gặp may, bạn có thể mua được những túi Fukubukuro có tổng giá trị thật sản phẩm cao hơn rất nhiều so với tiền bỏ ra mua túi Fukubukuro.

36

Túi may mắn Fukubukuro chỉ bán vào dịp Tết ở Nhật

2. Tiệc đầu năm Shinnenkai 新年会

Như ở tập trước, Ề tồ có giới thiệu về Bounenkai – tiệc cuối năm thường được tổ chức ở các công ty, đoàn thể hay hội nhóm bạn bè.

Sau kỳ nghỉ Tết, các công ty sẽ quay trở lại guồng làm việc bình thường từ ngày 4/1~ hoặc 5/1~. Vào những ngày làm việc đầu năm này, một số công ty hay tập thể cũng thường tổ chức một bữa tiệc gọi là tiệc đầu năm Shinnenkai 新年会.

Tuỳ theo các mối quan hệ mà tiệc đầu năm có thể tổ chức thân mật hay chỉ mang tính chất cộng tác trong công việc. Tại nhiều công ty thì tiệc đầu năm cũng là dịp để người quản lý định hướng không khí làm việc trong năm mới cho nhân viên của mình. Trong khi đó, đối với các câu lạc bộ, hội nhóm bạn bè,… thì tiệc đầu năm là dịp gặp gỡ vui vẻ, giao lưu thân mật và thậm chí chỉ là “cái cớ” để… nhậu nhẹt.

3. Ngày Nanakusa no Hi 七草の日

Vào ngày 7/1 hàng năm, người Nhật có phong tục ăn cháo Thất thảo – cháo được nấu từ 7 loại thảo mộc, bao gồm:

せり(rau cần)

なずな (rau tề – thuộc họ rau cải)

ごぎょう (rau khúc tẻ – thuộc họ rau cúc)

はこべら (một loại thảo mộc thuộc họ cây tinh thảo)

ほとけのざ (một loại cải cúc)

すずな (củ cải tròn)

すずしろ (củ cải trắng)

Phong tục này được lưu truyền từ thời đại Heian (năm 794~ năm 1185) có ý nghĩa cầu mong một năm mới khỏe mạnh, không bệnh tật. Cháo kết hợp rau xanh giúp thanh nhẹ dạ dày, làm cơ thể dịu bớt mệt mỏi sau một kỳ nghỉ tết với quá nhiều chất đạm và rượu bia.

Đọc thêm: Ăn cháo thất thảo vào ngày Nanakusa no Hi (七草の日) ở Nhật

37
38

Người Nhật có truyền thống ăn cháo thất thảo bao gồm 7 loại thảo mộc sinh trưởng vào mùa xuân vào ngày 7/1 hàng năm.

Ảnh: sưu tầm.

4. Ngày mở bánh dầy Kagami Mochi “Kagamibiraki”

Trong thời gian thần năm mới ngự trong nhà vào dịp đầu năm tuyệt đối không được ăn chiếc bánh dày dùng để cúng Thần linh – Kagamimochi (Ề tồ đã giới thiệu ở tập trước)

Việc thưởng thức Kagamimochi sau khi vị Thần đi khỏi gọi là “Kagamibiraki”Tùy từng địa phương mà thời gian mở bánh dày khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ngày 11/1. Người Nhật cho rằng Thần linh rất ghét những vật nhọn nên mọi người thường dùng chày gỗ để đập nhỏ bánh dày rồi cho vào món súp thập cẩm Ozoni hay chè đậu đỏ Shiruko để thưởng thức.

74

Dùng chày gỗ để giã mềm bánh dầy mochi.

large

Bánh dầy Mochi ăn kèm chè đậu đỏ Shiruko.

5. Dọn dẹp đồ trang trí Tết

Ở tập trước, Ề tồ có nhắc đến 3 loại đồ vật thường được người Nhật dùng để trang trí vào dịp Tết là : Kado Matsu đặt cạnh cửa, vòng rơm Shimenawa buộc trước cửa nhà hoặc cổng nhà và bánh dầy Kagami mochi đặt ở nơi đẹp nhất trong nhà dùng dâng lên các vị thần năm mới.

72

Kado Matsu

73

Vòng rơm Shimenawa

75

Bánh dầy Kagami mochi

Kagami mochi như đã nói ở trên, sẽ được mở vào ngày 11/1. Còn với Kado Matsu và Shimenawa, người Nhật sẽ đem đến chùa hoặc thần điện gần khu vực mình sống để nhờ nhà chùa hỏa táng dâng lên Thần linh. Nghi lễ hỏa táng này gọi là どんど焼き Dondoyaki, được tổ chức tại chùa hay các thần điện vào ngày 15/1 hàng năm. Đây được cho là hoạt động cuối cùng vào dịp Tết ở Nhật (Cũng giống như ở Việt Nam chúng mình có ngày hóa vàng cuối Tết).

dondoyaki

Lễ Dondoyaki tại một ngôi đền ở thành phố Sapporo, Hokkaido. Ảnh: sưu tầm




Lời chúc mừng năm mới ở Nhật

1. Trước giao thừa

「良いお年を」- Yoi Otoshi wo!

Ý nghĩa: “I wish you a Happy New Year” – Tôi chúc bạn có một năm mới hạnh phúc! 

Trước thềm năm mới, người Nhật sử dụng câu nói này là lời chào tạm biệt khi chia tay thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác,…

2. Sau giao thừa

「あけましておめでとうございます」- Akemashite Omedetougozaimasu!

Ý nghĩa: “A Happy New Year to you” – một năm mới hạnh phúc tới bạn!

Là lời chúc đầu năm mới. Người trẻ thường nói tắt là “Ake-ome!”

EETO 2022 01 05T233238.139

Một cửa hàng bán hoa và đồ trang trí ngày Tết. Ảnh: Ề tồ

  Trên đây, Ề tồ đã ghi lại những thông tin chúng mình thu thập được về các hoạt động đón năm mới ở Nhật Bản.

  Hi vọng những kiến thức nho nhỏ này sẽ ít nhiều giúp bạn và mình hiểu thêm về văn hóa và cuộc sống của con người nơi đây!

  Nhân dịp năm mới xuân sang, Ề tồ cảm ơn và chúc bạn cùng gia đình một năm mới an khang – thịnh vượng!

 

Arigatou~

Từ Ề tồ

Phần trước: Ngày Tết ở Nhật – người Nhật đón năm mới thế nào?


Xem thêm

Nhật ký đón Tết ở Nhật Bản của Ề tồ

Ăn cháo thất thảo vào ngày Nanakusa no Hi ở Nhật

Ngày Đông chí ở Nhật – người Nhật ăn gì?

FUKUOKA: Cửa ngõ dẫn vào Kyushu

Thử tài làm mì cốc ở bảo tàng Cup Noodles Museum Yokohama

Mục lục

Nội dung thuộc bản quyền của Ề tồ - Hôm nay ăn gì. 

Vui lòng xem thêm Bản quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.