Người Nhật xưa ăn gì vào mùa hè?

eeto 7
eeto 7

Vào thời đại chưa có máy lạnh, điều hòa, người Nhật đã làm thế nào để vượt qua mùa hè nóng bức?

Trong bài viết ngày hôm nay, Ề tồ sẽ giới thiệu với các bạn 5 món ăn có tác dụng tăng khẩu vị, làm mát cơ thể được người Edo* đặc biệt yêu thích vào ngày hè.

(Thời đại Edo: 1603 – 1868)

1. Cơm lươn

Vào ngày hè, người Nhật xưa thường có thói quen ăn lươn, đặc biệt là vào ngày Doyo no ushi no hi (土用丑の日) – ngày nóng nhất trong năm. Ngày này không cố định mà thường thay đổi theo từng năm, rơi vào trong khoảng từ 19 tháng 7 đến mùng 7 tháng 8 (Ngày Doyo no ushi no hi của năm 2022 là ngày 23 tháng 7). 

Nói về lý do người Nhật bắt đầu ăn lươn vào mùa hè, có một giả thuyết được ghi lại như sau:

Vào thời Edo, một ông chủ tiệm lươn đã đến nhờ ngài Hiraga Gennai (平賀源内)một dược sĩ kiêm nhà nghiên cứu Hà Lan học, tư vấn làm thế nào để cải thiện tình hình kinh doanh hiện đang không mấy thuận lợi. Ngài dược sĩ đã bảo ông chủ quán, hãy đề một tấm biển ghi “Hôm nay là ngày Doyo no ushi no hi, hãy ăn những món có chữ U để tránh nóng!” trước cửa hàng để thu hút mọi người. (Bật mí là lươn trong tiếng Nhật là “Unagi” – một món ăn có chứa chữ “U” trong tên gọi). Người chủ tiệm lươn đã làm theo lời chỉ dẫn của ngài dược sĩ và quả nhiên nó đã phát huy tác dụng. Từ đó, tình hình buôn bán của tiệm lươn ngày càng phát triển và được đông đảo người dân trong vùng biết đến.

ukiyo e summer

Tranh phù thế vẽ người đàn bà đang mổ lươn 

Nguồn: edo-g.com

Ngoài giả thuyết mang màu sắc văn hóa truyền thống như trên thì xét trên phương diện khoa học, lươn quả thực là một nguyên liệu chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tiêu biểu là DHA, EPA – các chất mỡ tốt cho sức khỏe, vitamin B1, vitamin A, vitamin E, omega-3,… Do vậy, người Nhật ngày này vẫn duy trì văn hóa ăn lươn vào mùa hè và tin rằng, một tô cơm lươn sẽ giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết trong những ngày thời tiết oi bức.

com luon nhat ban

Một suất cơm lươn lý tưởng cho ngày hè nóng bức

2. Cá lạc (Hamo) và cá ayu

Cá Lạc

Người Nhật có câu江戸の夏が鰻なら、京の夏は鱧だ」- Nếu mùa hè của Edo (tức Tokyo và các vùng xung quanh) là “lươn”, thì mùa hè của Kinh đô (tức cố đô Kyoto và các vùng xung quanh như Osaka) là “cá Hamo” (hay trong tiếng Việt gọi là cá lạc).

Cá lạc được yêu thích cũng chính bởi sức sống mạnh mẽ của chúng. Kyoto vốn là vùng đất không giáp biển nên cá đều phải vận chuyển từ vùng khác đến. Vào mùa hè nóng nực, hầu hết các loại cá đều bị hỏng, duy chỉ có cá lạc là vẫn còn tươi cho đến khi mang đến Kyoto.

Cá lạc là loài cá da trơn thân dài, đặc điểm là có rất nhiều xương dăm. Để chế biến loại cá này, các đầu bếp Kyoto tài hoa đã nghĩ ra kỹ thuật sử dụng một con dao khứa nhỏ phần thân thành từng đoạn khoảng 3cm, giúp món ăn có thể dễ dàng được thưởng thức hơn.

Vào cuối thời Edo, một series sách hướng dẫn nấu ăn, trong đó có một cuốn dành riêng cho nguyên liệu cá lạc hamo ra mắt công chúng. Cũng bởi đó, nguyên liệu cá lạc này lại càng được chú ý và trở nên phổ biến hơn trong người dân ở Kyoto.

Kĩ thuật cắt cá lạc của người Kyoto

(phương pháp được cho rằng phải luyện tập ít nhất 5 năm mới thành thục)

ca hamo kyoto

Món cá lạc được trình bày vô cùng đẹp mắt

Cá Ayu

Ngoài cá lạc, cá ayu cũng là một loại hải sản vô cùng được yêu thích vào ngày hè. Ayu có vị nhạt nhưng mang hương thơm đặc trưng, tuy hiện nay được bán với giá thành rẻ nhưng trước kia từng là một loại cá cao cấp được phục vụ trong những nhà hàng truyền thống ở Kyoto.

Người dân Tokyo xưa cũng rất thích ăn cá Ayu được bắt từ sông Tama. Hình ảnh những cô gái trẻ đầu đội giỏ cá Ayu, miệng chúm chím hát những bài đồng dao về loài cá này được cho là hình ảnh đặc trưng của mùa hè Nhật Bản xưa.

EETO600900

Cô gái bán cá Ayu trong tranh phù thế

EETO600900

Cô gái bán cá Ayu trong tranh phù thế

Nguồn: edo-g.com

 ca ayu nuong

Ngày nay, bạn có thể tìm thấy nhiều quầy hàng bán cá ayu nướng trong các lễ hội mùa hè ở Nhật

3. Đậu phụ trắng

Đậu phụ trắng được xếp cùng với gạo và củ cải, trở thành 江戸三白 – “Giang hộ tam bạc” – dịch ra là ba loại thực phẩm màu trắng phổ biến thời Edo.

Không những giàu dinh dưỡng mà còn có giá thành vô cùng phải chăng, đậu phụ được ưa chuộng và thường xuyên xuất hiện trong bàn ăn của các gia đình thường dân. Đặc biệt vào mùa hè, người ta sử dụng đậu phụ lạnh, tưới một chút nước tương đậu nành shoyu, thêm các gia vị như hành xanh thái nhỏ, mù tạt wasabi, củ cải bào hay rong biển, có tác dụng làm thanh mát cơ thể.

toufu ukiyoe

Hình ảnh người bán đậu rong

Nguồn: edo-g.com

eeto 8

Đậu phụ trắng được gọi là 冷奴 Hiyayakko – một món ăn phổ biến đến tận ngày nay

4. Mì lạnh

Mì lạnh somen – một món ăn “tủ” của các mẹ Nhật vào mùa hè thực chất đã phổ biến từ thời Edo. 

Xuôi dòng lịch sử, vào thời Edo, lễ hội thất tịch Tanabata ngày 7 tháng 7 và phong tục ăn mì somen được hình thành trong quần chúng nhân dân. Người ta chế phần nước súp lạnh được làm từ nước tương và cá bào, rồi chấm từng sợi mì dài mát lạnh vào phần nước súp. 

Từ đó đến nay, mì lạnh somen trở thành một hình ảnh quen thuộc của mùa hè và được mọi thế hệ người dân Nhật Bản yêu thích . 

mi soumen

Mì lạnh somen là món ăn không thể thiếu vào lễ Thất tịch. Nguồn: edo-g.com

mi lanh somen nhat ban

Mì lạnh somen thường được thưởng thức cùng một chén nước súp được ninh từ tảo bẹ khô và cá bào

5. Dưa hấu

Đến giờ vẫn không rõ ghi chép chính xác về thời điểm dưa hấu có nguồn gốc từ Châu Phi du nhập vào Nhật Bản. Có thể loại hoa quả này được mang đến Nagasaki trong thời Chiến quốc (1467 – 1615), cũng có khả năng nó được quảng bá vào đầu thời kỳ Edo, hoặc không thì có thể nó đã đến Nhật Bản từ rất lâu. 

dua hau nhat ban

Hình ảnh cô gái ăn dưa hấu trong tranh phù thế

Nguồn: edo-g.com

Đến giữa thời Edo, dưa hấu bắt đầu được trồng trọt ở nhiều vùng và các giống cây cũng trở nên đa dạng hơn. Tuy dưa hấu thời ấy không có vị ngọt như dưa hấu ngày nay, nhưng người ta vẫn yêu thích nó bởi tính chất mọng nước giúp giải nhiệt cổ họng và cơ thể. Trên bàn ăn của ngày lễ Thất tịch mồng 7 tháng 7 hàng năm, cùng với mì lạnh somen, dưa hấu chắc chắn là thành phần không thể thiếu.

dua hau nhat ban1

Dưa hấu là một loại hoa quả được yêu thích vào mùa hè. Nguồn: edo-g.com

Trên đây, Ề tồ đã chia sẻ với bạn 5 món ăn có tác dụng giải nhiệt, được người Nhật xưa đặc biệt yêu thích vào ngày hè. Ngoài đồ ăn, người Nhật xưa thích thưởng thức loại đồ uống gì vào mùa hè nhỉ?

Nếu có thắc mắc ấy, Ề tồ mời bạn xem tiếp bài viết:

Người Nhật xưa uống gì để giải nhiệt vào ngày hè?

Ề tồ cảm ơn và chúc các bạn luôn vui trên con đường tìm hiểu văn hóa Nhật Bản!

 

Arigatou,

Từ Ề tồ





Chia sẻ bài viết

Nguồn tham khảo

土用の丑の日 Ngày Doyo no Ushi no hi

やっぱりすごい!うなぎの栄養成分~体に嬉しい効果について詳しく解説~ Giải thích chi tiết về dinh dưỡng của lươn và những hiệu quả đối với cơ thể con người

江戸時代から現代に続く夏グルメの定番も! 暑さを乗り切る夏の食べ物いろいろ – Những món ăn ngày hè từ thời đại Edo đến bây giờ

Xem thêm

Mùa thu trong ẩm thực Nhật Bản

Người Nhật không ăn thịt cho đến tận thế kỷ 18!

Câu chuyện về bánh xèo Okonomiyaki Nhật Bản

Cà ri Nhật Bản: từ món ăn du nhập đến món ăn quốc túy

Món ăn Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản như thế nào?

MỤC LỤC

Nội dung thuộc bản quyền của Ề tồ - Hôm nay ăn gì. 

Vui lòng xem thêm Bản quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.