Nhật ký đón Tết ở Nhật Bản của Ề tồ

don tet o nhat ban
don tet o nhat ban

Vèo một cái lại đến một cái Tết nữa trên đất Nhật!

Năm nay, 2022 – là năm đầu tiên chúng mình được tận hưởng một kì nghỉ Tết Dương lịch dài. Tết năm nay,  Ề tồ – Melogin đã được “lên level”, từ sinh viên Đại học chuyển sang cương vị của một người đi làm. Còn Ề tồ – Takku hiện đang làm thêm tại một văn phòng công ty nên lịch nghỉ Tết của chúng mình tương đối giống nhau: Melogin từ 28/12 ~ 4/1, Takku từ 28/12 ~ 3/1.

Nhân một dịp nghỉ Tết dài, chúng mình tranh thủ xả hơi và tận hưởng không khí đón năm mới ở Nhật Bản một cách trọn vẹn. Tại góc Nhật ký này, Ề tồ xin chia sẻ lại những câu chuyện và hình ảnh về kỳ nghỉ vừa qua của chúng mình.

Thông tin nho nhỏ

Trước năm 1873 (năm Meiji 6), cũng giống như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, Nhật Bản đón Tết theo lịch Âm, hiện nay gọi là 旧正月 “Kyu-shogatsu” (Tết cũ). Bắt đầu từ năm 1873, Nhật Bản đổi ngày Tết giống với các nước Châu Âu, tức là theo lịch Dương (1/1), gọi là お正月 “Oshou-gatsu”.

TRƯỚC GIAO THỪA

1. Dạo chợ Tết

Ngày mình bắt đầu ngồi viết những dòng này là 20/1, tức 18 tháng Chạp. Giờ này ở Việt Nam chắc hẳn đang nhộn nhịp không khí đón tết Nguyên Đán lắm rồi ấy nhỉ! Cái cảm giác ra phố dạo chợ hoa, hòa mình vào dòng người nô nức sắm sửa, đắm chìm trong những giai điệu nhạc Tết quen thuộc vang ra từ các cửa hàng, cửa hiệu mới thích làm sao. Ôi, nhớ cái không khí ấy vô cùng!

So với Việt Nam, ở Nhật tuy không được náo nhiệt như vậy, nhưng những ngày cuối tuần sát Tết phố phường cũng đông đúc lắm! Mọi người đổ xô về các trung tâm thương mại. Các bạn trẻ tranh thủ chọn lựa những món hàng sale của vụ đông để diện Tết. Các bà, các mẹ thì tay xách nách mang bao nhiêu là thực phẩm để tích trữ cho mấy ngày party đầu năm mới. 

tet o nhat ban5

Tấp nập trước một quán bán hải sản tươi

Ngày cuối cùng của năm, quanh ga mình sống cũng tấp nập hơn hẳn. Mọi người lựa mua những đồ ăn, thức uống tươi cuối cùng trước ngày siêu thị đóng cửa (siêu thị gần ga nhà mình nghỉ mùng 1,2 Tết). Những gia đình bận rộn chưa kịp trang hoàng nhà cửa thì tranh thủ mua nốt những cành kadomatsu tươi và những vòng rơm shimenawa cuối cùng để về trang trí ở cửa nhà đón năm mới.

Đọc thêm: Ngày Tết ở Nhật – người Nhật đón năm mới thế nào?

tet o nhat ban1

Những cành thông được buộc vào cửa nhà để thay thế kadomatsu

tet o nhat ban2

Những vị khách cuối cùng của năm

image eto 3

Một ngôi nhà được trang hoàng không khí đón Tết

tet o nhat ban3

Ở một hàng bán hoa và đồ trang trí ngày Tết

2. Đón giao thừa ở Kamakura

Tết năm nay, Ề tồ chúng mình quyết định đón giao thừa ở Kamakura thuộc tỉnh Kanagawa, cách trung tâm Tokyo chỉ hơn 1 tiếng đi tàu. Kamakura là một thành phố cổ với nhiều đền thờ và di tích lâu đời. Ngoài ra, thành phố còn nằm sát với biển Yuigahama, biển Enoshima – những bãi biển nổi tiếng quanh khu vực Tokyo.

Ăn mì Toshikoshi-soba

Vừa đặt chân đến ga Kamakura cũng là lúc hoàng hôn buông xuống. Hai đứa bụng dạ đói meo, quyết định tìm ngay một quán soba gần ga để thưởng thức Toshikoshi-soba (mì soba đón năm mới) cho chuẩn văn hóa Nhật Bản.

Đọc thêm: Tại sao người Nhật ăn mì Soba vào đêm Giao thừa?

hang hoa

Tấp nập trước một hàng hoa tết ngay gần ga Kamakura

hang hoa ngay tet

Những vị khách cuối cùng của năm

Chúng mình tra ra một quán soba lâu đời ngay gần ga. Đây là quán tự tay làm mì soba nhưng có giá thành vô cùng phải chăng. Mì vừa được luộc xong là được bưng lên ngay, ăn với tôm tempura vừa chiên xong nóng hổi, quả thực ngon hết ý!

soba nhat ban 2

Một suất mì soba đón năm mới

Đọc thêm: Công thức mì soba ngon chuẩn kiểu Nhật

Gội rửa thân thể để bước sang năm mới 

“Gội rửa thân thể” nghe hơi kinh nhỉ, nhưng mình chẳng nghĩ ra từ nào ok hơn, thôi thì để tạm vậy nghe cho nó “tâm linh” một chút =)))

Sau khi checkin khách sạn, việc đầu tiên mình làm là chuẩn bị quần áo để xuống bồn tắm chung của khách sạn. Việc tắm rửa sạch sẽ trước khi bước qua thềm năm mới cũng được cho là một văn hóa đón Tết của người Nhật. Nhiều bạn đã đi Nhật, hay đã từng tìm hiểu về văn hóa Nhật thì cũng biết, những bồn tắm chung như thế này mọi người sẽ… “truồng như nhộng”. Đúng vậy, sẽ không mặc gì mà vào tắm cùng nhau. Và tất nhiên sẽ phân chia khu nam và khu nữ riêng nha, đừng có mà nghĩ linh tinh =)))

Nghe tiếng chuông giao thừa tại chùa Hase

Một điều thuận lợi là khách sạn mình ở vừa gần biển, lại vừa cách chùa Hasedera – một ngôi chùa nổi tiếng ở vùng Kamakura này không xa. Chỉ cần đi bộ 15 phút là ra đến cổng chùa.

Khoảng 23:20 chúng mình bắt đầu khởi hành. Đi sớm sớm chút, nhỡ trên đường có gì ngon ngon còn chén =)) Bữa mì soba vừa nãy quả thực không thấm vào đâu so với lượng ăn “không hề ít” của chúng mình.

yakiimo

Một xe bán khoai nướng đỗ ngay trước đầu đường vào cổng chùa

chua hasedera

Đến cổng chùa Hasedera rồi nè!

Theo phong tục Nhật Bản thì ở các chùa sẽ cử hành đánh 108 tiếng chuông, gọi là “Joya no Kane” để đón năm mới. 107 tiếng chuông được đánh trước thềm giao thừa, và tiếng chuông cuối cùng sẽ vang lên đúng 00:00 ngày mùng 1/1. Tuy nhiên hiện nay, với tình hình dịch bệnh covid ngày một căng thẳng thì mỗi chùa lại có cách tổ chức khác nhau.

Đọc thêm: Ngày Tết ở Nhật – người Nhật làm gì sau thời khắc Giao thừa?

Ở chùa Hasedera chúng mình đi thì bắt đầu đổ chuông từ 23:50. Khi tiếng chuông đầu tiên vang lên, mọi người đều ồ lên, một cảm giác lâng lâng khi năm mới 2022 sắp tới.

hasedera nen

Những cốc nến kèm những nguyện ước của người dân thắp rực sáng cả một khoảng sân chùa

hasedera1

Mọi người đang chú tâm ghi những nguyện ước cho năm mới




SAU GIAO THỪA

1. Ngắm bình minh đầu tiên

5:15 sáng ngày 1/1 chúng mình mở mắt. 

“Nhất định không thể lỡ bình minh đầu tiên của năm được” – mình vừa lẩm bẩm, vừa nhanh tay nhanh chân vệ sinh cá nhân để đi ra biển. Vì đang là mùa đông nên mặt trời lên muộn hơn so với các mùa khác trong năm. Khoảng hơn 6 giờ mặt trời mới “ló mặt”. 

Lâu lắm mình mới ra biển đón bình minh. Lần gần đây chắc cũng phải 3,4 năm về trước. Hơn nữa bình mình hôm nay lại là bình mình đầu tiên của năm mới, một chút xốn xang khó tả ghê cơ =)) 

yuigahama2

Bình minh đầu tiên của năm 2022

Khi mình đi bộ ra đến biển cũng là lúc đám đông đã vây kín. Ở Nhật, để ngắm mặt trời đầu tiên của năm, mọi người thường chọn những nơi có không gian thoáng đãng như đỉnh núi, bờ biển, ven sông, tầng cao của các tòa nhà… Những người sống quanh khu vực Kamakura chắc hẳn đều ra biển Yuigahama này để đón mặt trời lên.

yuigahama

Đám đông vây kín dọc bờ biển

yuigahama eeto

Đắm chìm trong một cảm giác lâng lâng.

“Năm mới đã sang rồi!”

eeto takkumelogin

Hi vọng một năm 2022 thật nhiều may mắn với cả hai!

2. Nạp vitamin Sea đầu năm mới

Chúng mình dành cả một ngày đầu năm để chơi và hít khí biển. Cảm giác thật sự “relax” sau bao ngày làm việc mệt mỏi. 

enoshima

Biển Enoshima

eeto melogin

Hí hoáy tìm một kiểu dáng “hợp hợp” với không khí biển nhưng cuối cùng thành ra như thế này

Biển ở Kamakura cảm giác xanh hơn các biển khác (do cá nhân mình thấy vậy, không rõ có phải xanh thật không hay do tưởng tượng ra). Vào mùa hè, người dân sống quanh khu vực Tokyo thường tập trung về đây tắm biển. Mùa này thì vắng tanh. Tắm biển mùa này thì.. chịu chết. Chỉ các các bác, các chú lướt sóng thôi.

yuigahama1

Những chuyến lướt sóng đầu tiên của năm

3. Lễ chùa đầu năm

Sau ngày đầu tiên ở biển, chúng mình quay lại Tokyo và dành trọn vẹn hai ngày mùng 2, mùng 3 để đi chùa đầu năm.

Chùa Kanda myojin

chua kanda

Do tình hình dịch bệnh căng thẳng nên chùa chủ động giới hạn lượt người vào khấn bái

kanda melogin

Chụp pô ảnh kỉ niệm cái =))

Chùa Sensoji (Asakusa)

chua asakusa

Chùa Sensoji – ngôi chùa cổ nhất Tokyo, là một trong những điểm tập trung đông đúc người dân đến lễ bái đầu năm

Chùa Ueno Toshougu

ueno toshougu

Đền Yushima Tenjin

yushimatenjin

Đền Yushima Tenjin là đền thờ chuyên để cầu về học vấn. Quanh chùa treo rất nhiều bảng ema ghi nguyện ước đỗ đạt của các sĩ tử.

4. Bốc quẻ

Kể ra thì hơi ngại một chút, nhưng xin thú thật là mấy năm ở Nhật mình chưa một lần bốc quẻ đầu năm. Mấy năm trước toàn bận thi cử và học hành, nên mình rất sợ bốc quẻ. Vào quẻ tốt thì vui, chứ vào quẻ xấu lại làm mình lo sợ suốt cả năm đó. Nên để cho an toàn thì mình không bao giờ xin quẻ năm mới. Năm nay thì mình “thảnh thơi” hơn chút rồi. Nên quyết định sẽ bốc quẻ lần đầu tiên. 

Hehe, cả hai chúng mình đều bốc được quẻ Cát. Tuy không phải quẻ tốt nhất, nhưng cũng không tệ.

boc que dau nam

Lần đầu bốc quẻ và được quẻ “cát”

que

Nếu bóc phải quẻ xui thì sẽ treo lên thanh gỗ hay những cành thông trong chùa

5. Lạc lối trong các quán yatai tại cổng chùa

Với những người thuộc team “mê ăn uống” như chúng mình thì việc đi chùa đầu năm ngoài để cúng bái, thì còn có một lý do hấp dẫn hơn, đó là: thưởng thức các món ngon ở các quầy yatai quanh cổng chùa. 

Trời ơi, hai ngày đi chùa là hai ngày chúng mình đắm chìm trong đồ ăn. Nói ra thì phải tội, nhưng quả thật lễ chùa chắc được 15 phút, thời gian còn lại là để đi tìm đồ ăn ngon =))

yatai asakusa

Những quán yatai đầy hấp dẫn

takoyaki
jaagabataa

Jaagabataa – khoai hấp ăn kèm bơ, kimchi và sốt mayonaise trứng cá muối, món khoái khẩu của mình!!

6. Mua mèo may mắn Maneki neko

Từ cuối năm, Takku đã bảo mình rằng “phải đi kiếm chú mèo may mắn thì tiền mới về được, chứ làm mãi vẫn không thấy một đồng “măn nì” nào đâu” =)) Nhân dịp đi viếng chùa Asakusa đầu năm – nơi bày bán rất nhiều quà lưu niệm truyền thống Nhật Bản, chúng mình quyết định lựa một chú mèo Maneki neko (mèo tài lộc) về đặt ở nhà, mong một năm 2022 khấm khá hơn chút =))

Hiện tại mình thấy ở Việt Nam cũng bày bán rất nhiều mèo may mắn. Không biết mọi người có lựa mèo theo đúng ý nghĩa của nó không. Ví dụ như mèo giơ tay phải có ý nghĩa “mang vận tiền tài về gia đình”, trong khi mèo giơ tay trái lại có ý nghĩa “gọi khách đến”, thường được đặt ở các cửa hàng hoặc nơi kinh doanh. 

Ngoài ra, màu sắc của mỗi chú mèo cũng mang những ý nghĩa sâu xa khác nhau. Chẳng hạn, màu vàng có ý nghĩa cầu tiền bạc; màu đỏ là cầu mong sức khỏe dồi dào, màu đen có ý nghĩa xua đuổi tà ma, mang an yên đến trong gia đình,… Từ trước đến nay chúng mình cũng không biết mấy điều này đâu. Đến lúc chuẩn bị mua mới lên mạng search vội.

maneki neko

Chú mèo nhà mình nè, có đáng iu hông nạ!!

7. Lần đầu thử nấu cháo Thất thảo

Ngày 7/1 hằng năm được người Nhật gọi là ngày Thất Thảo – ngày ăn cháo gồm 7 loại thảo mộc có tác dụng thanh lọc sau một kỳ nghỉ Tết với quá nhiều dinh dưỡng. 

Năm nay, chúng mình quyết định kết thúc kì nghỉ Tết theo đúng phong cách Nhật Bản, đó là tự nấu cháo Thất thảo thưởng thức tại nhà. 

Đọc thêm: Ăn cháo thất thảo vào ngày Nanakusa no Hi (七草の日) ở Nhật

EETO 2022 01 12T164619.649

Cháo thất thảo giúp thanh lọc cơ thể

Trên đây, mình đã ghi lại những hoạt động đón năm mới 2022 của nhà Ề tồ. Bắt đầu năm 2022 với đầy những kỉ niệm đáng nhớ, hi vọng năm nay sẽ là năm thật ý nghĩa đối với cả hai.

Khi mình đăng bài viết này, hôm nay, đã là 25 tháng 1 tức 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo về trời. Ở Việt Nam, tết Nguyên Đán cổ truyền sắp đến rồi. Nhân bài viết này, chúng mình xin gửi lời chúc năm mới đến bạn và gia đình.

Chúc mọi người một năm mới 2022 an khang và thịnh vượng!

 

Arigatou~

Từ Ề tồ


Toàn bộ ảnh trong bài được chụp bởi Ề tồ

Xem thêm

Các bài viết chủ đề Ngày tết ở Nhật

5 món ăn Nhật từ “ghét ghét” thành “thương thương”

Hôm nay, Tokyo có tuyết đầu mùa!

Chúng mình đã có những Giáng sinh rất vui

Thử tài làm mì cốc ở bảo tàng Cup Noodles Museum Yokohama

Mục lục

Nội dung thuộc bản quyền của Ề tồ - Hôm nay ăn gì. 

Vui lòng xem thêm Bản quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.