Thần Inari và cáo trong văn hóa tâm linh của người Nhật

eeto image 7
than inari

Dù sống ở Nhật Bản nhiều năm nhưng thú thật, những hiểu biết của mình về tôn giáo Thần đạo của người Nhật thực sự rất “lơ tơ mơ”. Sau chuyến đi gặp gỡ loài cáo mình đã giới thiệu ở bài viết trước, mình bỗng dưng tò mò và ngồi xuống thử tra cứu thêm thông tin về Thần đạo Nhật Bản nói chung, cũng như vai trò của loài cáo nói riêng. 

Trong bài viết này, Ề tồ xin tóm lược một cách dễ hiểu từ những thông tin chúng mình thu thập được về vị thần Inari cùng sứ giả là loài cáo trong văn hóa tín ngưỡng Nhật Bản.

Đọc thêm: Kinh nghiệm du lịch làng cáo Zao Fox Village tự túc

Thần Inari trong văn hóa Nhật

Thần Inari

Không giống các tôn giáo khác như Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa hay Đạo Hồi – những tôn giáo chỉ tin vào một vị thần tối cao, tôn giáo Thần Đạo của Nhật Bản theo lối “đa thần giáo” – nghĩa là có rất nhiều các vị thần. Người Nhật tin rằng có đến 8 triệu vị thần linh cùng cai quản trời đất. Trong số đó có thần Inari (trong tiếng Nhật gọi là 稲荷大神 Inari Ookami) – vị thần của gạo, trà và rượu sake, của nông nghiệp và công nghiệp, của sự thịnh vượng và thành công trong thế gian. 

ookami

Thần Inari

Ảnh: Wikipedia

Thần xã

Đền thờ thần được gọi là Thần xã (trong tiếng Nhật gọi là 神社 jinja). Như đã nói ở trên, từ xa xưa, thần Inari đã có quan hệ mật thiết với đời sống của người Nhật. Cũng chính vì thế, những đền thờ thần Inari xuất hiện dọc trên hầu hết lãnh thổ Nhật Bản. Theo một khảo sát năm 1985 bởi Hiệp hội Thần xã Nhật Bản, 32.000 thần xã – chiếm hơn ⅓ số Thần xã ở Nhật Bản – là để thờ thần Inari. Trong đó đền thờ chính là đền Fushimi Inari nằm ở Fushimi, Kyoto. 

Ngoài ra, con số 32.000 chỉ bao gồm Thần xã có tu sĩ cư trú lâu dài; nếu tính cả số lượng đền thờ không có tu sĩ cư trú nằm rải rác bên đường hoặc đền thờ được xây trong nhà, trong văn phòng công ty, con số này có thể tăng lên ít nhất là mười lần. (theo Wikipedia)

inari jinja2

Thần xã

Sự sùng bái thần Inari lan rộng khắp Nhật Bản bắt đầu từ thời Edo (1603 – 1868). Vào thời kỳ này, triều đình Mạc phủ dùng lúa gạo thay thế tiền bạc làm thước đo của sự giàu có trong xã hội, do vậy vai trò của vị thần Inari – vị thần của gạo được mở rộng bao gồm sự cả thịnh vượng trong tất cả các khía cạnh tài chính, kinh doanh và công nghiệp. Cho đến ngày này, các công ty phát triển hưng thịnh tại Nhật Bản như công ty mỹ phẩm Shiseido, công ty thực phẩm Kikkoman, Kagome, Toyo Suisan cũng nhận thần Inari như một vị thần bảo trợ cho doanh nghiệp của mình. Đặc biệt với Shiseido, trong trụ sở chính của công ty ở Ginza còn có một đền thờ thần Inari mở cửa cho du khách vào thăm quan.

shiseido inari

Đền thờ thần Inari tại trụ sở của hãng Shiseido

Ảnh: shrine.iki-kiru.com

Cổng Torii

Các lối vào Thần xã thờ thần Inari thường được đánh dấu bằng một hoặc nhiều cổng đỏ son (trong tiếng Nhật gọi là 鳥居 torii). Chắc hẳn đây là một hình ảnh mang tính biểu trưng, không còn xa lạ gì với các bạn khi nhắc về Nhật Bản nhỉ!

Trong văn hóa tâm linh Nhật Bản, cổng Torii được xây với mục đích là ranh giới giữa vùng đất linh thiêng và chốn phàm trần, ngăn chặn không cho tà mà được vào trong. Khi nhìn thấy cổng torii, bạn sẽ biết ngay được “Ở đây có đền, phía trước là không gian thần thánh!”

Cổng Torii là cánh cổng thiêng liêng, biểu tượng của tín ngưỡng nhân dân Nhật Bản.

38

Khoảng 10.000 cây cổng torii dẫn lên đền Fushimi Inari, tỉnh Kyoto

Ngoài ra, cạnh cổng Torii dẫn vào đền thờ thần Inari thường đặt bức tượng hai chú cáo. Tại sao lại có hình ảnh loài cáo ở đây, xin mời bạn đọc tiếp phần tiếp theo.

Thần Inari và loài cáo

Quan hệ giữa Thần Inari và loài cáo

Loài cáo, cụ thể là cáo trắng, được xem là sứ giả của thần Inari.

Truyền thuyết kể lại rằng, việc thờ thần Inari bắt đầu từ năm 711 của thời Nara, tuy nhiên đến thời đại Heian (794 – 1185), hình ảnh sứ giả là loài cáo mới được xuất hiện đồng hành cùng vị thần.

Tương truyền rằng, có một vợ chồng cáo trắng già sống cùng 5 người con ở một vùng gọi là Funaoka, phía Bắc của kinh đô Kyoto thời ấy. Vợ chồng cáo đã rời bỏ vùng đất của mình và đến đền thờ thần Inari ở núi Inari. “Để bảo vệ an yên của nhân gian, con xin dâng lên Thần sức mạnh của chúng con” – vợ chồng cáo đã cầu nguyện với mong muốn trở thành sứ giả của ngài. Tấm lòng thành của vợ chồng cáo già đã lay động trái tim thần Inari, ngài đã đặt tên cho chú cáo đực là オススキ Osusuki, chú cáo cái là あこまち Akomachi và cho phép chúng trở thành sứ giả đồng hành với thần.

kitsune inari

Hoạt động tâm linh xoay quanh loài cáo

Cúng thần cáo

Khi đến viếng thăm đền thờ thần Inari, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp một vài bức tượng cáo đeo yếm đỏ. Theo quan niệm tâm linh của người Nhật, cáo là loài vật linh thiêng có sức mạnh và khả năng trấn áp tà ma. Vì thế, khi xây đền, người ta đặt tượng cáo ở hướng Đông Bắc – hướng đi của quỷ, để bảo vệ đền và con người. 

Những bức tượng cáo thường đi theo cặp, đại diện cho một nam và một nữ. Trong miệng hoặc phía chân trước của bức tượng cáo đặt một vài biểu tượng như một viên ngọc, một chiếc chìa khóa, một bó lúa hay một cuộn giấy. Mặc dù có những đặc điểm chung, nhưng các bức tượng đều có nét riêng một cách tự nhiên, không có hai bức tượng nào giống hệt nhau.

eeto image 13

Bức tượng cáo ở đền Tsurugaoka Hachimangu, tỉnh Kanagawa. 

Lại còn được đeo hẳn khẩu trang chống dịch nữa 🤣 Ảnh: Ề tồ

Lễ vật cúng tại đền Inari thường là gạo, rượu sake nhằm làm hài lòng các sứ giả cáo. Họ tin rằng vị sứ giả này sẽ lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mình rồi sau đó sẽ trình tấu lên thần Inari. 

Một tập tục cúng phổ biến khác là món đậu phụ chiên – một loại thức ăn ưa thích của cáo và đậu phụ ngâm tương nhồi cơm sushi (trong tiếng nhật gọi là 稲荷寿司 inari sushi) được làm nhọn đầu tượng trưng cho tai cáo.

eeto image 11

Inari Sushi được cho là món ăn khoái khẩu của cáo

Mặt nạ cáo

Mặt nạ cáo thường xuyên xuất hiện trong lễ hội Nhật Bản. Ở Hachioji, Tokyo có lễ hội được tổ chức vào tháng 2 hàng năm lấy tên là Lễ hội Cáo. Lễ hội tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến cáo như mặc trang phục cáo, trang điểm thành cáo, bán và trang trí mặt nạ cáo,..

Ngoài ra, bạn có thể bắt gặp hình ảnh mặt nạ cáo quen thuộc này trong truyện tranh, trong phim hoạt hình, hay ở những không gian trang trí theo phong cách Nhật Bản. Ban đầu mặt nạ cáo chỉ được sử dụng trong những điệu nhảy thuộc nghi lễ Thần đạo hoặc trong các vở kịch trên sân khấu Nhật Bản. Ngày này, đồ vật này còn được trưng bày với ý nghĩa xua đuổi tà ma, mang đến an yên thịnh vượng.

mat na cao

Mặt nạ cáo. 

Ảnh: Ề tồ

Đám cưới cáo

Trong văn hóa Nhật Bản có truyền thuyết về mưa bóng mây gọi là 狐の嫁入り “Kitsune no yomeiri” – Đám cưới của cáo.

Chuyện kể rằng trong thế giới của cáo tồn tại một luật lệ nghiêm ngặt rằng: không thể để con người trông thấy đám cưới của chúng. Do vậy, loài cáo đã sử dụng mánh khóe tạo ra những cơn mưa bóng mây để che giấu lễ cưới của mình. Vào thời điểm loài người cứ ngỡ là trời mưa nên tìm nơi trú ẩn, đám cưới của cáo được diễn ra một cách chóng vánh.

Hiện nay, đám cưới được tổ chức dựa trên truyền thuyết này vẫn được cử hành ở một vài địa phương Nhật Bản.

dam cuoi cao

Đám cưới cáo được tổ chức ở thành phố Shitamatsu, tỉnh Yamaguchi

Ảnh: ameblo.jp

Mong những thông tin nho nhỏ Ề tồ tổng hợp sắp xếp trên đây đã phần nào giải thích về tín ngưỡng tâm linh của người Nhật, giúp mình và bạn thêm hiểu, thêm yêu văn hóa và cuộc sống của con người xứ sở nơi đây.

Đọc thêm: Kinh nghiệm du lịch làng cáo Zao Fox Village tự túc

 

Arigatou~

Từ Ề tồ





Nguồn tham khảo

Sách

Văn hóa Nhật – Những điều không thể không biết

Website

Thần Inari Ōkami

狐の文化ー物語の中にあるリアリティ (Văn hóa Cáo – Sự thật hiện hữu từ những câu chuyện)

7割の人が知らない?お稲荷さん、稲荷神社の神様はキツネではありません (70% mọi người không biết rằng thần Inari hay vị thần của thần xã Inari Taisha không phải cáo)

何故、優良企業は「企業神社」を祀っているのか?(Tại sao các công ty tốt đều thờ cúng thần?)

Xem thêm

Đôi điều về lễ Tiết phân ở Nhật Bản

5 món ăn Nhật từ “ghét ghét” thành “thương thương”

Tại sao người Nhật ăn mì Soba vào đêm Giao thừa?

MỤC LỤC

Nội dung thuộc bản quyền của Ề tồ - Hôm nay ăn gì. 

Vui lòng xem thêm Bản quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.