Tìm hiểu về mì ăn liền ở bảo tàng Cup Noodles Museum

EETO 2021 12 10T171722.393
cupnoodles ềtồ

Cứ ngày cuối tuần, bảo tàng mì hộp Cup Noodles Museum ở Yokohama lại chật kín người. Nằm ngay cạnh khu vui chơi CosmoWorld và cách tòa nhà gạch đỏ 横浜赤レンガ倉庫 chỉ vài bước chân, Cup Noodles Museum chắc chắn là một địa điểm vui chơi có tiếng không thể bỏ qua khi đến thăm vùng đất cảng Yokohama.

Để biết thêm những câu chuyện thú vị xoay quanh cốc mì ăn liền, hôm nay Ề tồ mời các bạn theo chân chúng mình trải nghiệm một ngày học hỏi ở bảo tàng Cup Noodles Museum nhé!

18

Cảng Yokohama nhìn ra từ bảo tàng Cup Noodles Museum. Ảnh: Ề tồ

1. Mì gói ăn liền do người Nhật sáng chế phát minh ra?

– Đúng vậy, gói mì đầu tiên trên thế giới do ngài Ando Momofuku, một người Nhật gốc Đài Loan – ông chủ của hãng mì nổi tiếng Nisshin sáng chế ra. Có thể nói đây là niềm tự hào lớn đối với đất nước Nhật Bản.

26 1

Tượng ngài Momofuku ở bảo tàng Cup Noodles Museum. Ảnh: Ề tồ

2. Mì gói ăn liền ra đời trong thời điểm nào?

– Đó là những năm sau chiến tranh, nạn đói đang hoành hành khắp Nhật Bản. Chính vì nguồn lương thực phẩm cạn kiệt dẫn đến người người nhà nhà thiếu ăn, đi trên phố bắt gặp người đổ gục vì mệt mỏi thiếu chất là chuyện không tránh khỏi. 

“Quả thực, thức ăn là điều quan trọng. Không có ăn thì cũng chẳng mảy may nghĩ được đến cái mặc hay chỗ ở, từ đó đất nước cũng chẳng hình thành nên nghệ thuật hay văn hóa”.

Ngài Momofuku kể lại rằng: “Trong một lần đi qua một con phố ngay gần ga Osaka, dưới cái tiết trời lạnh như cắt, tôi chứng kiến một hàng người xếp hàng chờ đợi để ăn một bát mì ramen. Ngay lúc đó, tôi bất chợt nhận ra mì chính là một món ăn và cảm nhận được người Nhật yêu thích mì đến thế nào!”

c2e185a4c808204554c8c9c0e6963141

Ảnh: Pinterest

– Thời điểm nguồn lương thực đang bị thiếu thốn trầm trọng, chính phủ Nhật đã khuyến khích người dân sử dụng bột mì từ Mỹ. Tuy nhiên, bột mì chỉ được dùng làm bánh mì và sandwich là chủ yếu. 

“Mì vốn là món ăn người Nhật thích. Tại sao không khuyến khích sử dụng bột mì làm thành mì?” là điều ngài Momofuku đã cực kỳ trăn trở.

Đọc thêm: Bữa trưa của học sinh Nhật Bản qua các thời kỳ

3. Quá trình thai nghén gói mì đầu tiên diễn ra như thế nào?

5 mục tiêu của ngài Ando Momofuku

・Một hương vị ăn mãi không chán.

・Có thể dự trữ thường trực ở góc bếp của gia đình.

・Không mất công sức để chế biến.

・Một món ăn có giá thành rẻ.

Một sản phẩm an toàn hợp vệ sinh.

 “Làm lại vứt, vứt lại làm”

Đúng vậy, quá trình để tạo ra gói mì của ngài Momofuku vô cùng cực nhọc!

Đó là những ngày tháng bắt đầu với nguyên liệu chính là nước và muối, rồi các sáng kiến thêm nguyên liệu và gia vị để tăng thành phần dinh dưỡng dần dần được nảy ra. Căn phòng nhỏ dùng để sáng chế của ngài Momofuku ngày qua ngày đồ đạc lại chất lên như núi.

Ngài Momofuku từng chia sẻ: “Thực phẩm chính là sự cân bằng. Việc phát triển thực phẩm chính là công việc theo đuổi tìm tòi ra sự kết hợp cân bằng tuyệt vời nhất.”

30

Phòng làm việc của ngài Momofuku được tái hiện ở bảo tàng mì hộp Yokohama.

Ảnh: Ề tồ.

Điều khó khăn nhất trong quá trình lên ý tưởng là gì?

– Làm khô sợi mì chính là trở ngại lớn nhất trong hành trình tạo ra gói mì!

Làm thế nào để có thể bảo quản được nguyên liệu trong thời gian dài? 

Làm thế nào để khi đổ nước nóng vào là có thể thưởng thức ngay? 

Khả năng bảo quản và mức độ thuận tiện chính là thách thức lớn đối với ngài Momofuku.

Một buổi tối nọ, Momofuku quan sát người vợ của mình chuẩn bị món đồ chiên Tempura. “Từ từ bỏ thực phẩm được tẩm qua bột mì vào nồi dầu rán nóng hổi, sau khi bọt lăn tăn nổi lên thì lượng nước cũng bay mất” “Chính là nó!” Ý tưởng làm khô sợi mì qua dầu nóng được phát kiến ra.

Ngày thế giới có gói mì đầu tiên

– Ngày 25 tháng 8 năm 1958. 

Mì phép thuật「魔法のラーメン」 là cái tên người dân Nhật Bản thời đó dùng để gọi những gói mì khô Chicken Ramen.

Sau quá trình chế tạo mì gói đầy khó khăn thì việc lấy được sự chú ý và ủng hộ của người dân cũng không phải điều dễ dàng.

Để đánh giá phản ứng của khách hàng, tại cửa hàng bách hóa ở Umeda, Osaka đã tổ chức buổi giới thiệu sản phẩm ăn thử. Người ta cho một vắt mì Chicken Ramen khô vào một tô lớn và đổ nước sôi vào. Chỉ sau 2 phút, sợi mì bỗng mềm ra. Các bà nội trợ chứng kiến cảnh tượng đó đã hết sức bất ngờ! Và chỉ trong một ngày, 500 suất mì đầu tiên đã được bán hết ngay.

20

Những gói mì ăn liền đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Ề tồ

 Những thành công mà mì gói đem đến?

Thời điểm mì gói “Chicken Ramen” xuất hiện cũng chính là giai đoạn hình mẫu gia đình hạt nhân (gia đình có hai thế hệ bố mẹ và con cái) phát triển. Những chuyển biến của kinh tế Nhật Bản dẫn đến kiểu mẫu gia đình hạt nhân hình thành ở các thành phố lớn, thay thế cho hình mẫu gia đình ba, bốn thế hệ từ xưa. 

Đối với các gia đình hạt nhân, thời điểm này vợ và chồng bắt đầu cùng nhau đi làm thay vì người vợ ở nhà chăm sóc con như thời gian trước. Vì vậy, thời gian chăm sóc gia đình của phụ nữ bị giảm đi. 

Sự xuất hiện của mì gói Chicken Ramen được cho là “cứu rỗi” những người phụ nữ bận rộn. Tiếp nối sự thành công của mì gói, một loạt các loại sản phẩm khô như cà phê uống liền, cà ri ăn liền, chè đậu đỏ khô,… được phát minh ra.

Ngài Momofuku đã chia sẻ rằng “私はラーメンを売っているのではない。お客さまに時間を提供するのである。/Tôi không bán cho người ta mì, cái tôi cung cấp cho khách hàng chính là thời gian”.

Chính sự thấu hiểu nhu cầu đại chúng đã mang đến thành công. Và phát minh mì ăn liền này đã thay đổi cả thời đại.

Ề tồ 1

Mì ăn liền giúp việc “cơm nước chợ búa” của những người phụ nữ được giảm bớt. Ảnh: japantimes

39

Ảnh: nissin.com

4. Từ mì gói thành mì hộp không hề đơn giản!

Nhân một chuyến công tác đến Mỹ vào năm 1971, ngài Momofuku đã chứng kiến người Mỹ bẻ những vắt mì ăn liền, cho chúng vào ly, đổ nước sôi và sau đó ăn bằng dĩa. Chính cách ăn đó làm chấn động tâm trí Momofuku, giúp ông sáng tạo ra những cốc mì ăn liền đầu tiên trên thế giới.

35

Ảnh: nissin.com

Làm sao để nhét mì vào hộp? 

Quá trình phát minh ra những ly mì cũng có những khó khăn riêng. Một trong số đó phải kể đến việc chế tạo ra kỹ thuật đưa mì vào cốc. 

Việc sử dụng dây chuyền đưa mì từ phía trên thả xuống cốc khiến những vắt mì bị “cập kênh” khó có thể đóng nắp. Những trăn trở về việc “nhét mì vào hộp” cứ tồn tại trong tâm trí ngài Momofuku. Cho đến một đêm, khi nhìn lên trần nhà, ông bỗng tưởng tượng ra việc “đảo ngược lại”.” Thay vì “đưa mì vào hộp”, tại sao không thử đổi lại thành “đưa hộp vào mì”?”

Chính ý tưởng độc đáo của ông đã giúp những cốc mì “Made in Japan” đầu tiên xuất hiện và nhanh chóng trở thành món ăn phổ biến trên toàn cầu.

Ề tồ

Kỹ thuật “đưa hộp vào mì”

Ảnh: Ề tồ.

38

Ảnh: nissin.com

Ngày thế giới có cốc mì hộp đầu tiên

– Ngày 18 tháng 9 năm 1971, hộp mì đầu tiên trên thế giới được xuất hiện.

29

Ảnh: Cup noodle museum

1166 tỉ bữa mì hàng năm – con số biết nói!

Theo số liệu của hiệp hội mì thế giới WINA, trong năm 2020, cả thế giới đã tiêu thụ 1166 tỉ bữa mì ăn liền. Trong số đó, các nước tiêu thụ nhiều nhất là Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Riêng với Việt Nam, chúng ta cũng có số lượng tiêu thụ mì ăn liền bình quân trên đầu người nằm trong top các quốc gia “yêu thích” mì gói.

21

Mì ăn liền phổ biến ở mọi quốc gia trên thế giới.

Ảnh: Ề tồ.

27

Mọi người ngạc nhiên với “sự đa dạng của mì ăn liền”. Ảnh: Ề tồ.

5. Mì không gian đã xuất hiện?

Ngài Momofuku làm việc miệt mài không ngừng nghỉ cho đến những ngày cuối đời. Chính ông là minh chứng cho việc“sáng tạo ở bất cứ thời điểm nào đều không phải là muộn”. Ở tuổi 91, ông thử thách bản thân với việc phát minh ra loại “mì không gian” giúp các phi hành gia có thể thưởng thức trong môi trường vũ trụ. Dựa trên chính phương pháp “chiên nhanh” từ thuở ban đầu, kết hợp áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến khác, “mì không gian” đã ra đời. 

 Ngày thế giới có mì mang lên vũ trụ

– Ngày 27 tháng 7 năm 2005

Trạm vũ trụ quốc tế ISS đã truyền hình trực tiếp cảnh phi hành gia người Nhật Noguchi đang ngồi ăn mì ăn liền trong môi trường vô trọng lực.

“Một điều quá đỗi kinh ngạc! Hương vị mì ăn liền của con người trên trái đất đang được tái hiện trọn vẹn trên vũ trụ!” – phi hành gia nức nở thông báo.

37

Hình ảnh phi hành gia Noguchi thưởng thức mì ăn liền trong không gian.

Ảnh: nissin.com

36

Ngài Momofuku và phi hành gia Noguchi.

Ảnh: nissin.com

Ngài Momofuku mất năm 2007, hưởng thọ 96 tuổi.

Cảm ơn ông với những cống hiến không ngừng nghỉ suốt cả cuộc đời!

Sự sáng tạo của ông được ghi nhận là “một cống hiến vĩ đại đã làm thay đổi thói quen ẩm thực của cả thế giới” và truyền cảm hứng cho bao tầng lớp trẻ.

Momofuku xứng đáng với tên gọi “Vua mì ăn liền” của mọi thời đại!

25

Ảnh: Ề tồ

22

Đọc tiếp: Thử tài làm mì cốc ở bảo tàng Cup Noodles Museum Yokohama





Nguồn tham khảo

Thông tin và hình ảnh tại bảo tàng Cup Noodles Museum Yokohama.

Webiste bảo tàng:

https://www.cupnoodles-museum.jp/en/yokohama/

Xem thêm

Bữa trưa của học sinh Nhật Bản qua các thời kỳ

5 món ăn Nhật từ “ghét ghét” thành “thương thương”

9 món ăn không thể bỏ lỡ khi đến Sendai

Gyutan – món lưỡi bò nướng trứ danh của vùng Sendai

MỤC LỤC

Nội dung thuộc bản quyền của Ề tồ - Hôm nay ăn gì. 

Vui lòng xem thêm Bản quyền - Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.